Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành, chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn.
Không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có những quy định giới hạn đối tượng khách hàng được vay tại tổ chức tín dụng, chỉ là pháp nhân và cá nhân, để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 vừa qua. Trong Bộ luật Dân sự nêu rõ, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Nội dung của Thông tư 39/2016/TT-NHNN là quy định lại chủ thể vay vốn, làm rõ thuật ngữ, khái niệm.
Điều này có nghĩa là từ nay trở đi, để vay vốn, các chủ hộ phải tự đứng tên vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh như trước đây.
Như vậy, không phải do Ngân hàng Nhà nước tự quy định mà do trong Bộ luật Dân sự quy định chuẩn cần áp dụng. Việc làm của Ngân hàng Nhà nước là chuẩn hóa, thống nhất các quy định và giúp phòng ngừa các rủi ro tuyên vô hiệu hợp đồng do làm sai quy định của Bộ luật Dân sự nếu có tranh chấp xảy ra.
Nhìn rộng hơn, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”. Các hợp đồng dân sự (ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản) nếu ký với “hộ” sẽ trở thành vô hiệu, vì chủ thể này không được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận. Hợp đồng cho thuê bất động sản, nếu ký với hộ gia đình… cũng vi phạm luật. Những hợp đồng này nếu không thay đổi chủ thể đứng tên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng.
Lâu nay, không chỉ có hộ kinh doanh, hộ gia đình, thực tế tồn tại rất nhiều chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, như tổ hợp tác, tập đoàn, tổng công ty.
Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định: tập đoàn, tổng công ty không có tư cách pháp nhân. Bộ luật Dân sự năm 2015 sau đó cũng nêu rõ, hộ gia đình, tổ hợp tác không phải là một chủ thể quan hệ pháp luật.
Đây chính là những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập và các doanh nghiệp, cá nhân có mối quan hệ sản xuất - kinh doanh với đối tác nước ngoài rất nhiều.
Chủ thể quan hệ pháp luật chỉ có thể là cá nhân và pháp nhân. Mặc dầu vậy, hiện nay không ít tập đoàn, tổng công ty vẫn đứng tên trên các hợp đồng kinh tế, đi kèm với nó là nguy cơ rủi ro pháp lý, vô ý là bị vô hiệu toàn bộ hợp đồng, giao dịch, cam kết, thỏa thuận.
Xử lý những tồn tại trên thực tế như thế nào để các bộ luật thống nhất với nhau, để người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sản xuất - kinh doanh, có lẽ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, không chỉ là chuyện của mỗi ngành ngân hàng.