Chuẩn công bố báo cáo mới: Doanh nghiệp lớn cũng… hụt hơi

Chuẩn công bố báo cáo mới: Doanh nghiệp lớn cũng… hụt hơi

(ĐTCK) Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm, có tới xấp xỉ 80 doanh nghiệp xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính.

Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, trong đó có một nội dung đáng quan tâm là rút ngắn thời gian công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý. Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm, có tới xấp xỉ 80 doanh nghiệp xin gia hạn thời gian công bố BCTC, khiến thị trường đặt câu hỏi: Việc rút ngắn này có phù hợp?

Khoảng 80 doanh nghiệp xin gia hạn công bố BCTC

Trong tuần qua, CTCP Cơ Điện lạnh (REE) đã có văn bản xin gia hạn thời gian công bố BCTC, trong đó, thời gian công bố BCTC quý tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý và thời gian công bố BCTC bán biên đã được soát xét tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Lý do được REE đưa ra cho việc xin gia hạn thời gian công bố BCTC quý và bán niên soát xét là do Công ty có tới 18 công ty liên kết và 10 công ty thành viên, nên REE cần có thời gian để tập hợp báo cáo với các bên.

Như vậy, sau trường hợp của REE, ngay tại Sở GDCK TP. HCM, tổng số doanh nghiệp xin gia hạn thời gian công bố BCTC (gồm các trường hợp gia hạn báo cáo tài chính quý, bán niên, năm) đạt xấp xỉ 80 doanh nghiệp.

Với số lượng công ty con, công ty liên kết lớn, việc hoàn thành báo cáo tài chính quý trong vòng 45 ngày kể từ kết thúc quý như quy định cũ có thể vẫn rất khó khăn, nếu doanh nghiệp niêm yết hoạt động mô hình công ty mẹ - con

Trước đó, một số doanh nghiệp lớn khác như Vinamilk, Hà Đô, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Bình… đã có công văn xin gia hạn nộp BCTC.

Nếu tính cả số doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội, con số này sẽ còn lớn hơn nữa.

Tất nhiên, có rất nhiều lý do để doanh nghiệp đưa ra vấn đề này, bao gồm cả những trường hợp bất khả kháng như có số lượng công ty con, công ty liên kết lớn, trong đó nhiều công ty có công ty con cũng chính là công ty mẹ của lượng lớn công ty khác, nên việc tập hợp dữ liệu để hoàn thành BCTC quý trong thời hạn 20 ngày theo Thông tư 155 là rất khó khăn.

Chưa kể, nhiều công ty có địa bàn hoạt động rộng, bao gồm ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước, hoặc chi nhánh ở nước ngoài… Không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp xin gia hạn mang tính… phong trào, khi thấy nhiều doanh nghiệp xin gia hạn, thì họ xin gia hạn theo, để tránh rắc rối phát sinh.

Thế nhưng, một thực trạng dễ nhìn thấy là, tỷ lệ các doanh nghiệp niêm yết bị điều chỉnh mạnh bởi Thông tư 155 (những doanh nghiệp là đơn vị kế toán cấp trên) đang tỏ ra khó theo được yêu cầu rút ngắn thời hạn hoàn thành và công bố BCTC như kỳ vọng của cơ quan quản lý. 

Cần xem lại tính hợp lý của thời hạn công bố BCTC

Trước khi Thông tư 155 được ban hành, thị trường vẫn chứng kiến 2 trường hợp: nhiều doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố BCTC kiểm toán năm rất sớm, thậm chí là trong vòng 1-2 tháng sau khi kết thúc năm tài chính; nhưng có những doanh nghiệp vẫn phải xin gia hạn hoặc công bố báo cáo tài chính ở những ngày áp chót.

Câu chuyện đặt ra là, nếu ngoại trừ một số ít trường hợp chây ỳ, không tuân thủ đúng nghĩa vụ công bố thông tin, thì với phần đông doanh nghiệp thực hiện công bố BCTC sát với thời điểm chốt chặn, đều có lý do đến từ đặc thù quy mô hoạt động.

Với số lượng công ty con, công ty liên kết lớn, việc hoàn thành báo cáo tài chính quý trong vòng 45 ngày kể từ kết thúc quý như quy định cũ có thể vẫn rất khó khăn, nếu doanh nghiệp niêm yết hoạt động mô hình công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ giữ vai trò quản lý danh mục đầu tư, và công ty con mới thực sự là đơn vị kinh doanh (ví dụ Masan, Đầu tư F.I.T…). Khi đó, trong trường hợp các công ty con cũng là những đơn vị kế toán cấp trên của số lượng lớn công ty con, công ty liên kết.

Việc rút ngắn thời gian công bố BCTC là một cách để cơ quan quản lý tăng cường chất lượng minh bạch thông tin trên TTCK. Thế nhưng, việc rút ngắn này lại dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải xin gia hạn, thì có vẻ là điều này không được hợp lý cho lắm!  

Thông tư 155/2015 quy định, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

Trường hợp tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn không thể hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn nêu trên do phải lập báo cáo tài chính quý hợp nhất hoặc báo cáo tài chính quý tổng hợp; hoặc do các công ty con, công ty liên kết của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn cũng phải lập báo cáo tài chính quý hợp nhất, báo cáo tài chính quý tổng hợp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính quý khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật liên quan.

Trong khi đó, theo quy định cũ (Thông tư 52/2012), Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý của công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất hoặc Báo cáo tài chính tổng hợp trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày, kể từ ngày kết thúc quý.

Tin bài liên quan