Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước quy mô "khủng" lên kế hoạch IPO trong nửa cuối năm  nay, trong đó có Vinafood II

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước quy mô "khủng" lên kế hoạch IPO trong nửa cuối năm nay, trong đó có Vinafood II

Chuẩn bị tiền cho nhiều cuộc đấu giá lớn

(ĐTCK) Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch IPO trong nửa cuối năm nay.

Theo báo cáo tại cuộc họp sơ kết của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 6 doanh nghiệp; công bố giá trị và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp; đang tiến hành xác định giá trị của 20 doanh nghiệp.

Như vậy, dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 trong tổng số 45 doanh nghiệp theo kế hoạch năm 2017. Tại cuộc họp diễn ra đầu tháng 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017.

Nằm trong kế hoạch cổ phần hóa nói trên, nhiều đợt IPO đang được giới đầu tư chờ đợi, bởi quy mô hoạt động, hiệu quả kinh doanh và khối tài sản lớn mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.

Những thương vụ IPO được chú ý nhất là của nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). Sau nhiều lần trì hoãn, kế hoạch IPO của các doanh nghiệp này được đánh giá có nhiều khả năng được thực hiện trong năm nay.

Chuẩn bị tiền cho nhiều cuộc đấu giá lớn ảnh 1

Theo kế hoạch, BSR sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 11 năm nay. Giá trị doanh nghiệp của BSR được xác định tại thời điểm 31/12/2015 là gần 73.000 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Với mức định giá này, BSR sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước đến nay được cổ phần hóa, vượt qua hàng loạt tên tuổi trước đó như Vietnam Airlines, Petrolimex, Sabeco, Habeco…

Trong khi đó, PV Power được xác định giá trị doanh nghiệp khoảng 60.600 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD. Doanh nghiệp này sẽ bán ra 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, đồng thời phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) từ 3 - 4% cổ phần.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể lên tới 60% vốn, phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ. Thời điểm IPO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8/2017 và chào bán cho cổ đông chiến lược hoàn thành trong năm 2017.

Với PV Oil, doanh nghiệp này từng lên kế hoạch IPO trong tháng 6, sau đó hoãn sang tháng 7, nhưng đến nay, vẫn chưa có thông tin mới được đưa ra. Giá trị doanh nghiệp của PV Oil được xác định tại ngày 1/1/2016 là 10.342 tỷ đồng. PVOil dự kiến sẽ bán ra 49% cổ phần cho cổ đông chiến lược, cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư bên ngoài.

Ngoài nhóm doanh nghiệp ngành dầu khí, trong các đợt IPO đáng chú ý từ nay đến cuối năm phải kể đến là của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VRG sẽ hoàn thành IPO trong quý III/2017.

Các doanh nghiệp khác có lộ trình IPO được công bố trong năm nay như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Satra tuyên bố chủ trương này từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Còn Vinalines, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng vừa diễn ra, lãnh đạo Tổng công ty đã tuyên bố: Công việc trọng tâm của trong nửa năm còn lại là chuẩn bị cho việc IPO Công ty mẹ vào quý IV.

Một số đợt IPO khác đáng chú ý trong thời gian tới như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC). Hai doanh nghiệp này đã được xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án cổ phần hóa trong nửa đầu năm nay.

Hapro có hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả, nhưng lại sở hữu quỹ đất lớn tại nhiều vị trí vàng tại Hà Nội. Trong khi đó, Becamex IDC là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại Bình Dương, với quy mô vốn điều lệ hơn 13.000 tỷ đồng.

Cũng trong nửa cuối năm nay, 4 doanh nghiệp ngành xây dựng cũng được chỉ đạo phải hoàn thành cổ phần hóa ngay trong năm 2017, gồm Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM)...

Với một loạt thương vụ IPO “khủng” trong nửa cuối năm, nhà đầu tư trong và ngoài nước thêm cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp đầu ngành, với quy mô tài sản lớn. Đây cũng là yếu tố được các công ty chứng khoán nhận định làm động lực cho sự khởi sắc của TTCK trong 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư, CTCK SSI cho biết, làn sóng cổ phần hóa, niêm yết của doanh nghiệp nhà nước từ năm 2016 được các quỹ đầu tư đánh giá rất cao.

“Các năm trước, một số quỹ đầu tư nước ngoài phàn nàn về việc họ có tiền, nhưng không biết mua gì, bởi cổ phiếu blue-chip đã gần như hết room. Nhưng trong 2 năm trở lại đây, với việc đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn đã tạo yếu tố thu hút dòng tiền vào thị trường Việt Nam.”       

Tin bài liên quan