Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm chính sách liên quan đến phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật; các quy định về soạn thảo, công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý; quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh; tiếp tục phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương; hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; điều kiện, thủ tục thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp; bổ sung một số quy định nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.
Đồng thời, Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính thống nhất về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và quản lý doanh nghiệp;
Dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định về ngành, ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đầu tư và các luật về thuế; bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư.
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (trong năm 2019).