Chuẩn bị kế hoạch nhập khẩu bổ sung thịt lợn để bình ổn thị trường cuối năm

(ĐTCK) Để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước, giữ bình ổn giá cả thị trường cuối năm, tránh gây xáo động do thiếu hụt bất cân đối cung cầu, Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ 2 chiều với Việt Nam.
Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn (ảnh:dantri)

Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn (ảnh:dantri)

Theo số liệu mới nhất từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây.

Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,7%).

Nhìn chung thị trường hàng hóa trong tháng 11 không có biến động lớn. Hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ các ngày lễ, tết cuối năm; thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn; nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản tốt, giá tương đối ổn định. Các mặt hàng thiết yếu khác như đường, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, phân bón… nhu cầu cũng tăng nhưng nguồn cung dồi dào, giá không có biến động lớn.

Tuy nhiên, riêng đối với mặt hàng thịt lợn, giá mặt hàng này có xu hướng tăng dần với mức tăng khá cao, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.

Theo lý giải của Bộ Công thương, nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Theo Vụ Thị trường trong nước, quy luật chung tháng cuối năm nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa tết bắt đầu tăng; nhu cầu nhiên liệu năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống. Quy mô của các nhóm bán lẻ hàng hóa và lưu trú ăn uống, dịch vụ khác tiếp tục tăng do có nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm và các dịp lễ như Noel, nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá dồi dào, giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên dự báo thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.

Liên quan các giải pháp giữ ổn định thị trường cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, góp phần minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên ngành tập trung chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung, chủ động xây dựng phương án bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch...”, ông Hưng thông tin.

Với các yếu tố phân tích như trên, Bộ Công thương dự báo diễn biến thị trường năm 2019 về cơ bản giữ được ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2019 đạt khoảng 4.901 - 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng từ 11,6 - 12% so với năm 2018, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tăng 11,5-12%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đưa ra dự báo thời gian tới Việt Nam có thể thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn.

Ông Tiến cho biết thêm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập khẩu thịt lợn, song việc này cần phải được tính toán để đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước. Tại thị trường trong nước, giá thịt lợn thời gian qua đã tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung, tuy nhiên ông Tiến khẳng định các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết chỉ bán thịt lợn với giá từ 66.000 - 70.000 đồng/kg. 

Liên quan tình hình phát triển của tổng đàn lợn trong nước, ông Tiến cho biết, tính đến thời điểm này, tổng đàn lợn trên cả nước hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó lợn nái 2,7 triệu con, lợn giống thuần chủng 109.000 con, đảm bảo đủ điều kiện cho việc tái đàn bằng giống chất lượng cao. Về tình hình kiểm soát dịch bệnh, đến nay đã có 14% tỉnh và hơn 85% xã hết dịch sau 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn lợn thời gian tới. 

Tin bài liên quan