Chuẩn bị hạ tầng đón sóng dịch chuyển đầu tư

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại nhiều địa phương phía Nam đã khởi sắc. Cùng với đó là sự chủ động chuẩn bị hạ tầng đón sóng dịch chuyển đầu tư.
Trong 2 tháng gần đây, các địa phương phía Nam luôn trong tốp đầu về thu hút FDI của cả nước.

Trong 2 tháng gần đây, các địa phương phía Nam luôn trong tốp đầu về thu hút FDI của cả nước.

Dấu ấn thu hút FDI

Trong 2 tháng gần đây, các địa phương phía Nam luôn trong tốp đầu về thu hút FDI của cả nước, với con số vượt 1 tỷ USD, theo báo cáo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong tháng 5/2020, các vị trí dẫn đầu thuộc về Bạc Liêu (4 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 1,935  tỷ USD) và TP.HCM (hơn 1,602  tỷ USD), không thay đổi về thứ tự so với tháng 4.

Có 2 điểm nhấn đáng chú ý trong thu hút FDI của các địa phương phía Nam thời gian gần đây. Đó là, cả 2 dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD của cả nước từ đầu năm đến nay đều ở phía Nam (Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu của Singapore, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD và Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam của nhà đầu tư Thái Lan tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với vốn đầu tư tăng thêm 1 tỷ 386 triệu USD).

Ngoài ra, dù vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức góp vốn, mua cổ phần trên bình diện cả nước tiếp tục giảm mạnh, song tại một số địa phương phía Nam lại có xu hướng tăng.

Cụ thể, tổng số góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại TP.HCM trong tháng 5 là hơn 1 tỷ 231 triệu USD (tăng hơn 200 triệu USD so với tháng trước) và ở Bình Dương là hơn 284 triệu USD (tăng gần 60 triệu USD so với tháng trước).

Đón sóng dịch chuyển đầu tư

Theo đánh giá của giới chuyên môn và doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới, khi các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc.

Một khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, trong số 122 doanh nghiệp của Nhật Bản trả lời khảo sát về lựa chọn địa điểm dịch chuyển đầu tư, đã có 42,3% lựa chọn Việt Nam, xếp sau là Thái Lan với 20,6% và tiếp theo là Philippines với 18,6%... “Các doanh nghiệp Nhật Bản dời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để né chi phí đầu vào ngày càng tăng cao tại thị trường này”, ông Takeo Nakajima, đại diện Jetro cho biết.

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài thành lập ở Việt Nam có hoạt động giao thương quốc tế.

Ngoài ra, thị trường tài chính ở Việt Nam, nơi giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp FDI có những thay đổi tích cực khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này và các đối tác, bao gồm VSIP là liên doanh với Tập đoàn Sembcorp (Singapore), BW là liên doanh với Quỹ Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, với gần 4.000 ha đất khu công nghiệp, 200.000 m2 nhà xưởng xây sẵn dành cho các nhà đầu tư mới.

“Chúng tôi phát triển không chỉ khu công nghiệp, mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất. Ngay cả hạ tầng mềm, như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ và chuyển đổi nghề nghiệp, hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề, đều được triển khai mạnh mẽ tại các khu công nghiệp”, ông Hùng cho biết.

Hiện nay, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương như Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa… Cùng với các đối tác như VSIP, BW cũng đã phát triển các khu công nghiệp và logistics trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Hùng cho rằng, trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt. Do đó, cần quan tâm cải cách thủ tục nhanh gọn, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đang khao khát tìm kiếm những thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan