Chuẩn bị dần cho tương lai hợp nhất Sở

Chuẩn bị dần cho tương lai hợp nhất Sở

(ĐTCK) Lần đầu tiên việc xây dựng chỉ số chứng khoán chung trên toàn TTCK Việt Nam chính thức được 2 Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa ra thảo luận, với dự kiến sẽ công bố chỉ số chung vào tháng 10 tới. 

Một số động thái khác như bàn thảo xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay xây dựng chỉ số phát triển bền vững cho thấy, 2 Sở đang có sự hợp tác chặt chẽ hơn để chuẩn bị cho tương lai về chung một nhà.

TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE cho biết, dự kiến quý I/2017, 2 Sở GDCK sẽ ra mắt chỉ số phát triển bền vững. Chỉ số này được xây dựng như một bước đi tiếp theo của Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất, được thực hiện từ năm 2008. Cuộc bình chọn lúc đầu nhằm mục tiêu hướng các DN đến quy chuẩn minh bạch, nhưng theo thời gian, tiêu chuẩn của Cuộc bình chọn nâng dần lên, hướng DN đến quản trị hiệu quả và phát triển bền vững. Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do HOSE cùng Báo Đầu tư Chứng khoán đồng tổ chức và theo TS. Trần Đắc Sinh, đây là chương trình đầu tiên có ý nghĩa kết nối các DN niêm yết trên toàn TTCK Việt Nam.

Ngày 29/7/2016 sẽ diễn ra Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất 2016 trên quy mô toàn TTCK Việt Nam. Theo TS. Trần Đắc Sinh, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên được tổ chức từ năm 2008 đã tạo dấu ấn đẹp, giúp TTCK Việt Nam được đánh giá cao trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Cũng từ Cuộc bình chọn này, ông Sinh cho biết, IFC và 2 Sở đang đàm phán khả năng hợp tác sâu hơn. Theo đó, IFC sẽ thúc đẩy các DN niêm yết, DN đại chúng làm tốt hơn công tác quản trị công ty, hướng đến việc phát triển bền vững.

Nếu Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên là dấu ấn đầu tiên kết nối 2 Sở GDCK thì việc xây dựng chỉ số chứng khoán chung cho thấy, sự gắn kết giữa 2 Sở đang đi vào khu vực lõi vận hành. Hiện tại, TTCK Việt Nam có 2 bộ chỉ số riêng biệt, do 2 Sở vận hành theo những nguyên tắc riêng, nên nhà đầu tư không có điều kiện để nắm thông tin tổng thể và chuẩn tắc về toàn TTCK Việt Nam.

“Việc xây dựng bộ chỉ số chứng khoán chung sẽ cung cấp một thước đo cho nhà đầu tư theo dõi biến động của toàn TTCK Việt Nam, nâng cao tính thống nhất về hệ thống chỉ báo cho toàn thị trường, đồng thời tạo chỉ số cơ sở để phát triển các sản phẩm tài chính mới”, TSKH Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HNX cho biết. Cũng theo ông Long, bên cạnh việc phát triển chỉ số chứng khoán chung, dự kiến các Sở vẫn sẽ vận hành bộ chỉ số hiện hành để nhà đầu tư tiện theo dõi. Lãnh đạo 2 Sở kỳ vọng, việc có thêm chỉ số mới sẽ đem đến tiện ích cho nhà đầu tư tổ chức, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, tăng sức hấp dẫn dòng vốn chuyên nghiệp tham gia TTCK Việt Nam.

Một chủ điểm khác, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được Sở đưa ra thảo luận để tìm phương án tốt nhất cho thị trường mới mẻ này. Thực tế, thị trường trái phiếu chính phủ đã được xây dựng và vận hành suôn sẻ tại HNX khi đã cung ứng vốn kịp thời cho khu vực công, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa được tổ chức, quản lý. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo tổng hợp từ nhiều nguồn đơn lẻ, còn rất thấp, chỉ khoảng 1,5-2% GDP (trong khi thị trường trái phiếu chính phủ tương đương 25% GDP). Quy mô này đặc biệt thấp, nếu so với các nước lân cận.

Theo HNX, vốn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp bình quân tại ASEAN khoảng 21,7%, trong đó có tính cả 3 nước có thị trường tài chính phát triển vượt trội là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nếu không tính 3 nước này, quy mô vốn hóa bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại ASEAN cũng lên tới 18,2%, cách rất xa so với thực tại của Việt Nam.

Theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, dự kiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam bằng khoảng 7% GDP. HNX được Bộ Tài chính giao việc chủ trì đề án xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cách làm như thế nào đang là câu hỏi mở, rất cần sự tham gia góp ý từ nhiều phía. Những nét phác họa thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra cùng thảo luận cho thấy 2 Sở cầu thị sự hợp tác trong xây dựng thị trường mới mẻ này, tiến đến ngày về chung một nhà trong tương lai.

Năm 2015, một bản đề án hợp nhất 2 Sở GDCK Việt Nam đã được Bộ Tài chính xây dựng, sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được trình Chính phủ xem xét. Đề án này xây dựng theo những quy định tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2012. Theo đó, việc tái cấu trúc Sở cần nghiên cứu thực hiện theo hướng thành lập Sở GDCK Việt Nam theo nguyên tắc thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, tiêu chuẩn hóa việc niêm yết, giao dịch…

Đề án năm 2015 đề xuất đặt trụ sở chính của Sở GDCK Việt Nam tại Hà Nội, tuy nhiên, việc đặt trụ sở ở đâu hiện vẫn là câu hỏi ngỏ do quyết định này phải cân nhắc nhiều yếu tố ở tầm vĩ mô.

Tin bài liên quan