Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô tốt hơn cũng đi kèm với với một số dấu hiệu khó khăn trong doanh nghiệp và ngành ngân hàng, làm cho thị trường tín dụng hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng lên niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Giải quyết được những thách thức về quản trị doanh nghiệp và ngân hàng này mới có thể tạo tăng trưởng dài hạn mạnh hơn và tạo ra việc làm có chất lượng.
Ngành ngân hàng Việt Nam cần phải giải quyết ba thách thức chính nhằm xây dựng một hệ thống lành mạnh hơn và hoạt động tốt hơn. Đầu tiên, cần giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu trong hệ thống. Tiếp theo, tốc độ đổi mới ngành ngân hàng hiện nay vẫn còn chậm hơn mong muốn, nhất là trong vấn đề củng cố ngành ngân hàng. Cuối cùng là, mức độ công khai và minh bạch trong hệ thống tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt mức như tại các nước khác có cùng trình độ trong khu vực.
Điều đáng mừng là các cơ quan chức năng đã nhận biết điều này, và chương trình đổi mới của ngành ngân hàng đã được thông qua từ tháng 3/2012. Khung pháp quy được cải thiện, vấn đề củng cố ngành đã bắt đầu với một số vụ mua bán sáp nhập. Vốn được bổ sung thường xuyên nhằm tăng cường thanh khoản cho ngành ngân hàng. Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua một khối lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng. Vấn đề thanh khoản vẫn còn đó, nhất là đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh, mức độ nợ quá cao của các doanh nghiệp nhà nước và độ tin tưởng còn mong manh của các doanh nghiệp tư nhân đã làm cho tốc độ tăng trưởng tín dụng bị suy giảm và tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ngân hàng cũng bị suy giảm theo.
Cải cách sâu, thực hiện theo 3 giai đoạn
Chương trình Đánh giá ngành Tài chính 2013 của WB và IMF (FSAP) đã đưa ra một chẩn đoán toàn diện ngành tài chính. Chương trình này cũng đề xuất thực hiện các biện pháp cải cách hiện nay theo chiều sâu và giải quyết một cách cơ bản các thách thức trong ngành tài chính, nhất là vấn đề nợ xấu và đảm bảo luồng vốn tín dụng được lưu thông một cách hữu hiệu hơn.
Trong giai đoạn 1, biện pháp cấp thiết nhất là tiến hành kiểm toán tài chính đặc biệt, nhất là đối với các thể chế tài chính quan trọng trong hệ thống và các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn, nhằm đánh giá chính xác mức độ nợ xấu và phân tích bảng cân đối của các tổ chức này một cách chính xác và cập nhật hơn.
Kết quả kiểm toán sẽ giúp các cơ quan chức năng xác định được mức độ cần thiết bổ sung vốn, đánh giá các phương án cấp vốn khác nhau, kể cả phương án kết hợp hỗ trợ tài khóa và kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược tư nhân.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ phải kiểm toán hoạt động trong giai đoạn 1. Trong đó bao gồm đánh giá cơ cấu quản trị, các chức năng quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin, chính sách và các thủ tục nhân sự. Ngoài ra, kiểm toán hoạt động còn giúp đánh giá năng lực của tất cả các ngân hàng, kể cả ngân hàng quốc doanh và tư nhân, trong quá trình chủ động giải quyết nợ xấu.
Giai đoạn 1 cũng bao gồm một số biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ ổn định hệ thống tài chính trong quá trình đổi mới. Ví dụ, tăng cường bảo lãnh tiền gửi và thiết lập quỹ hỗ trợ thanh khoản có mục tiêu.
Giai đoạn 2 sẽ bao gồm việc thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thỏa mãn tiêu chuẩn quản lý tối thiểu, cho phép các ngân hàng không đủ điều kiện rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
Việc tái cấp vốn sẽ đi kèm một số biện pháp bổ sung như bán cổ phiếu, thay đổi lãnh đạo ngân hàng thương mại quốc doanh, xóa bỏ sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn này cũng cần tiến hành tăng cường hạ tầng ngành và các qui định tài chính, đồng thời chuẩn bị cho các đợt cải cách về quản lý và giám sát sẽ thực hiện trong giai đoạn 3. Dự thảo lộ trình và khởi động Chương trình phát triển nợ của Chính phủ nhằm phát triển thị trường vốn và các tổ chức phi ngân hàng.
Lộ trình phát triển thị trường vốn có vai trò quan trọng đối với Việt Nam vì qua đó sẽ thực hiện được cả mục tiêu về tiếp cận vốn và ổn định. Trong giai đoạn này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể bắt đầu chuẩn bị các văn bản luật để đưa ra các công cụ tài chính có thu nhập cố định như trái phiếu hạ tầng và trái phiếu bảo đảm.
Trong giai đoạn 3, chương trình giải quyết nợ sẽ được khởi động hoàn toàn, ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, tuyển dụng nhân sự để VAMC có thể vận hành đầy đủ. Đồng thời Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép các ngân hàng thương mại quốc doanh dừng thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm đảm bảo một nền quản trị tốt trong cả các ngân hàng nhà nước và ngân hàng tư nhân.
Vai trò sở hữu và giám sát sẽ được tách biệt và giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện nhằm đảm bảo quyền sở hữu được thực thi, đồng thời đảm bảo tính độc lập trong công tác giám sát. Các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ hoạt động với nhiệm vụ và mục tiêu kinh doanh và bộ máy quản trị rõ ràng.
Trong trường hợp lí tưởng, chức năng chính sách và nhiệm vụ chính trị nên giao cho các ngân hàng chính sách và các ngân hàng này sẽ được cấp vốn và tổ chức bộ máy thích hợp để thực hiện vai trò đó một cách hiệu quả.
Những thay đổi trong Luật Các tổ chức tài chính và các văn bản đi kèm cũng sẽ đề cập vấn đề chính yếu, đó là quản trị. Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo tách bạch rõ ràng chức năng của chủ sở hữu, hội đồng quản trị và ban giám đốc; ban điều hành độc lập và chuyên nghiệp và đảm bảo tăng cường chức năng quản lý rủi ro.
Trong giai đoạn này sẽ tiếp tục phát triển thị trường vốn theo chiều sâu và thực hiện cải cách toàn diện hạ tầng và các qui định pháp qui ngành tài chính. Cuối cùng, cải cách pháp qui ngành tài chính đòi hỏi phải được thực hiện cùng với các chương trình phát triển giám sát.
Các ngân hàng sẽ phải đảm đương một vai trò quan trọng góp phần đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2035. Đây là nhân tố quan trọng giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và tạo việc làm. Chính phủ đã thực hiện một số bước cơ bản nhằm tạo nên một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn và lành mạnh hơn. Bây giờ chính là lúc củng cố các thành quả đã đạt được bằng các biện pháp cải cách sâu hơn như đã nêu ở trên nhằm biến ngành ngân hàng thành cỗ máy cho tăng trưởng trong tương lai.