“Ông lớn” khu công nghiệp có doanh thu chính từ cà phê
Tiền thân của Tín Nghĩa Corp là Công ty Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Nai, được thành lập từ tháng 9/1989. Tín Nghĩa được xem là doanh nghiệp "con cưng" của tỉnh Đồng Nai, bởi luôn nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam.
Hồi tháng 4/2016, Tín Nghĩa thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) với 15 triệu cổ phần được đưa ra chào bán, tương đương 9,56% vốn điều lệ của Tổng công ty. Đợt đấu giá đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Khối lượng cổ phần đăng ký mua nhiều gấp đôi lượng chào bán, trong đó có 5 nhà đầu tư tổ chức ngoại đăng ký tham gia.
Kết quả, mức giá đấu thành công cao nhất là 14.000 đồng/cổ phiếu; mức giá thấp nhất là 11.600 đồng/cổ phiếu và giá đấu thành công bình quân là 11.885 đồng/cổ phiếu. Tổng số lượng bán được đạt trên 177 tỷ đồng; số nhà đầu tư trúng giá là 12 nhà đầu tư, trong đó có 3 tổ chức và 9 cá nhân.
Yếu tố thu hút nhà đầu tư lúc đó là quỹ đất "khủng" của Tín Nghĩa. Mục tiêu đến năm 2020, Tín Nghĩa đặt kế hoạch cho thuê 90% diện tích đất được phép cho thuê trong các khu công nghiệp dự kiến sẽ đầu tư xong hạ tầng (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6D, Khu công nghiệp Ông Kèo, Khu công nghiệp An Phước và Khu công nghiệp Đất Đỏ). Lĩnh vực này sẽ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu lợi nhuận.
Hiện Tín Nghĩa đang đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500 ha, thu hút hơn 250 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ USD.
Tuy vậy, xét về giá trị tuyệt đối, xuất khẩu cà phê và nông sản mới là lĩnh vực mang lại doanh thu chủ đạo cho Tổng công ty. Doanh thu từ mảng này thường chiếm hơn 90% trong cơ cấu doanh thu, doanh thu từ kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 chỉ đóng góp 2,8%.
Ngoài ra, doanh thu kinh doanh bất động sản và doanh thu cung cấp dịch vụ lần lượt chiếm 3,1% và 2,6% trong năm 2017. 6 tháng đầu năm 2018, cả hai mảng này đều sụt giảm mạnh, chỉ còn đóng góp 1% và 2% tổng doanh thu cho Tín Nghĩa.
Xét về biên lợi nhuận gộp, mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp lại có tỷ lệ lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm và quý III/2018, biên lãi gộp mảng này lần lượt là 53% và 59%, cao hơn nhiều so với mảng xuất khẩu cà phê (biên lãi gộp chỉ khoảng 2%).
Dẫu vậy, do doanh thu đạt được cao nên tuy biên lãi gộp thấp thì xuất khẩu cà phê và nông sản vẫn mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Tín Nghĩa. Ngược lại, mảng xây dựng và kinh doanh bất động sản thậm chí còn ghi nhận lỗ gộp trong 6 tháng.
Hiệu quả kinh doanh đi xuống, nặng gánh nợ phải trả
Tuy doanh thu thuần mỗi năm của Tín Nghĩa rất lớn, lên tới 7.480 tỷ đồng trong năm 2016, 5.787 tỷ đồng trong năm 2017 và 7.537 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, song biên lợi nhuận ròng của Tín Nghĩa lại rất thấp, chỉ dưới 5%. Công ty chịu các khoản chi phí lớn, dẫn đến lợi nhuận thu về chưa tương xứng với doanh thu đạt được.
Kết quả kinh doanh của tín nghĩa
Đáng chú ý, lợi nhuận thuần của Tín Nghĩa trong 9 tháng đầu năm nay giảm tới 91% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác đến từ việc chuyển sử dụng đất theo hợp đồng liên doanh mà Tổng công ty mới thu về 128,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16% so với cùng kỳ 2017. Với kết quả này, Tín Nghĩa mới hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Báo cáo tài chính quý III/2018 cũng cho thấy, Tín Nghĩa đang có khoản nợ phải trả tới 6.840 tỷ đồng, cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu 3.312 tỷ đồng (tháng 7 vừa qua Tín Nghĩa đã tăng vốn từ 1.558 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng).
Trong đó, riêng nợ vay tài chính ngắn và dài hạn đã chiếm 2.837 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ. Khoản nợ này đã khiến Tín Nghĩa phải trả 80,4 tỷ đồng lãi vay trong 9 tháng đầu năm, tương ứng mỗi ngày phải trả gần 300 triệu đồng.
Hiện Tín Nghĩa có hai cổ đông lớn, với tổng cổ phần nắm giữ trên 81,7%, bao gồm UBND tỉnh Đồng Nai nắm giữ 48,1% và CTCP Đầu tư Thành Thành Công của nhà đại gia Đặng Văn Thành nắm giữ 33,6%.