Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp
Chiều 16/5, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội dự thảo nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025.
Đây là căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Chính phủ.
Có nhiều điểm mới
Về nội dung chính của dự thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có nhiều diểm mới, đã thống nhất phân loại 13 ngành lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Dự thảo cũng quy định 10 nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN bám sát quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó, quy định nội dung về số vốn chưa phân bổ để tránh khoảng trống pháp lý đối với việc phân bổ vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư ngay từ thời điểm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; tạo điều kiện cho công tác chuẩn bị đầu tư được kỹ lưỡng, hiệu quả; không bị lúng túng phải tìm nguồn khi có nhiệm vụ mới phát sinh hoặc có các dự án đầu tư công khẩn cấp.
Đối với việc phân bổ vốn ngân sách trung ương (phần vốn trong nước), dự thảo Nghị quyết quy định dành tối đa không quá 30% tổng số vốn ngân sách trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa phương. Số vốn còn lại (70%) được phân bổ cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương . Như, đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của cả nước và của các cấp, các ngành, nhiệm vụ quy hoạch của quốc gia, vùng lãnh thổ theo quy định của pháp luật về quy hoạch, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật.
Đối với vốn cân đối ngân sách Trung ương, dự thảo Nghị quyết quy định lấy phương án phân bổ năm 2021 của Kế hoạch tài chính NSNN 3 năm giai đoạn 2020-2022 làm căn cứ xác định tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương và số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho các địa phương giai đoạn 2021-2025, theo đó, vốn ngân sách địa phương các năm sau được tính dựa trên tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối.
Chưa tính đến tác động của đại dịch Covid-19
Thẩm tra nội dung Chính phủ trinh, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với đa số các nguyên tắc nêu trong dự thảo và đề nghị bổ sung một số quy định.
Một trong số đó là quy định “Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm, nhóm B không quá 04 năm, nhóm C không quá 03 năm. Trường hợp không đáp ứng thời hạn trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương”.
Liên quan đến vốn đầu tư công ngân sách địa phương, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, việc xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia về ngân sách các cấp năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách và số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định căn cứ vào số thu và tổng chi ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn.
Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, đầu tư ảnh hướng lớn đến cân đối thu, chi NSNN không chỉ năm 2020 và dự kiến các năm 2021-2022. Tại thời điểm này, theo cơ quan thẩm tra, việc xác định theo kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2020-2022 mà chưa tính đến tác động của đại dịch Covid-19 để trình định mức phân bổ chi đầu tư năm 2021 là không phù hợp.
Vì vậy, cần dự kiến xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 theo thực tế tình hình kinh tế - xã hội và khả năng cân đối NSNN, cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 sang năm 2021, trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm tính khả thi và sẽ được tổng hợp trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra rà soát lại lĩnh vực đầu tư, thu gọn đầu tư công, nhường dư địa cho các thành phần kinh tế khác.
Tiêu chí cần thể hiện rõ hơn, tránh chung chung, nên có hệ số vùng miền, dân số, điều kiện để lý ... để áp vào cụ thể, Phó chủ tịch yêu cầu và giao các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo nghị quyết trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết vào phiên họp thứ 45B dự kiến diễn ra đầu tháng 6 tới đây.