Chưa xuất hiệu dấu hiệu tạo đỉnh phân phối

Chưa xuất hiệu dấu hiệu tạo đỉnh phân phối

(ĐTCK) Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Sacombank (SBS), thị trường đã có bước tăng khá dài và khi VN-Index vượt qua 600 điểm với độ nóng ngày càng tăng và tỷ lệ margin cũng đẩy lên tương ứng. Tuy nhiên, trong đợt tăng này, chưa xuất hiện những phiên đẩy thanh khoản lên mức đột biến, là tín hiệu của việc tạo đỉnh phân phối.

TTCK đã có hai phiên khởi sắc đầu tuần này. Liệu chỉ số  VN- Index có thể duy trì đà tăng và kiểm định lại các vùng kháng cự 630 điểm trong ngắn hạn hay không, theo ông?

TTCK đầu tuần này được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ thị trường quốc tế, mà nổi bật là giá dầu đang hồi phục rất nhanh về lại mốc 50 USD/thùng. Việc giá dầu tăng trở lại lần này mang nhiều ý nghĩa khi nhà đầu tư kỳ vọng từ nay đến cuối năm giá nguyên liệu thô này sẽ giữ ổn định và tăng trưởng khi các yếu tố chính trị đã được dàn xếp giữa các cường quốc. Một khi giá dầu đã đi vào xu thế tăng thì các cổ phiếu dầu khí sẽ thu hút lại sự quan tâm của nhà đầu tư như hai năm trước đây.

Một yếu tố quan trọng khác là khối ngoại đã quay lại mua ròng với giao dịch mở rộng ở nhiều cổ phiếu blue-chip và midcap. Dù chỉ chiếm tỷ trọng từ 10 - 15% tổng giá trị mua bán mỗi ngày, nhưng khối ngoại giao dịch tập trung trong 20 - 30 cổ phiếu, vì vậy, tạo hiệu ứng lên thị trường khá lớn. Nhất là gần đây, hoạt động mua và bán khối ngoại cùng được thể hiện trên hai sàn.

TTCK Việt Nam đã duy trì trạng thái đi ngang trong 3 năm gần đây với mức trung bình 580 điểm và dao động trong biên độ 500 – 640 điểm. Vì vậy, khi chỉ số VN-Index lần thứ 3 quay lại mốc này sẽ gặp một áp lực khá lớn. P/E hiện tại của thị trường cũng đã gần mức 13,5 lần, là mức khá cao so với lịch sử thị trường vài năm gần đây. Nói như vậy không có nghĩa là thị trường sẽ đảo chiều, trong bối cảnh hiện tại động lực tăng của thị trường vẫn còn. Với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của một số ngành như ngân hàng, thép, thương mại và dầu khí sẽ khởi sắc thì thị trường sẽ có sự phân hóa các nhóm cổ phiếu tăng trưởng tốt và xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ tiếp tục duy trì.

Nhiều ý kiến cho rằng, những thông tin xoay quanh sự kiện Brexit sẽ là yếu tố chính chi phối biến động TTCK toàn cầu, không ngoại trừ TTCK Việt Nam trong ngắn hạn. Quan điểm của ông thế nào?

Thông thường, từ giữa tháng 5 đến tháng 6 là giai đoạn thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ. Năm nay, ngoài thông tin hé lộ về kết quả kinh doanh quý II khởi sắc của một số doanh nghiệp lớn thì nhìn chung thị trường đang đói thông tin. Do đó, các sự kiện quốc tế như Brexit hay giá dầu hiện tại có sức ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của nhà đầu tư.

Sự kiện Brexit hiện đang là điểm nóng toàn cầu và tác động trực tiếp đến tương lai kinh tế EU và cả thế giới. Việt Nam hiện tại ngoài việc tham gia các tổ chức kinh tế lớn như WTO, hay TPP thì còn có các hiệp định thương mại tự do với châu Âu.

Dù không tác động trực tiếp ngay lập tức, nhưng việc này cũng ảnh hưởng đến giá các hàng hóa nguyên liệu thô và tỷ giá các đồng tiền.

Tôi cho rằng, sự kiện này hiện đang là tâm điểm, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn và sau đó thị trường sẽ dồn sự chú ý đến hoạt động cơ bản của doanh nghiệp và kinh tế trong nước nhiều hơn.

Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới?

Thị trường đã có bước tăng khá dài và khi VN-Index vượt qua 600 điểm với độ nóng ngày càng tăng và tỷ lệ margin cũng đẩy lên tương ứng. Tuy nhiên, theo tôi, năm nay, nhiều công ty chứng khoán đã có sự chuẩn bị nguồn vốn tốt hơn năm ngoái và đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, trong đợt tăng này, chưa xuất hiện những phiên đẩy thanh khoản lên mức đột biến là tín hiệu của việc tạo đỉnh phân phối.

Các hoạt động giao dịch của khối ngoại trong hai tháng gần đây khá ổn định và mua ròng tương đối cao nhờ thị trường Việt Nam vẫn là điểm sáng so với các thị trường xung quanh. Những yếu tố chính trị, vĩ mô ổn định và thị trường có mức PE thấp là điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam vẫn là thị trường khá nhỏ so với các thị trường cận biên khác, số doanh nghiệp lớn hoạt động tăng trưởng niêm yết vẫn chưa nhiều, vì vậy, dòng tiền khối ngoại không có nhiều sự lựa chọn. Nhắc đến điều này để thấy rằng thị trường Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn và cơ hội vẫn còn mở rộng trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo báo cáo 5 tháng đầu năm, hoạt động tín dụng của ngân hàng đã tăng trưởng 5,5% so với hồi đầu năm, tăng hơn 17% so với cùng kỳ cho thấy hoạt động kinh tế nói chung đang vẫn tăng tốc và cố gắng hoàn thành mục tiêu vào 6 tháng cuối năm.

Tôi kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều quyết sách thúc đẩy hoạt động kinh tế và điều này sẽ là động lực tiếp tục thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường để đón đầu các cơ hội đầu tư.

Tin bài liên quan