Chưa vui được bao lâu, giới đầu tư lại lo âu vì lạm phát

Chưa vui được bao lâu, giới đầu tư lại lo âu vì lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu công nghệ đã kéo các phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai (18/5), khi các dấu hiệu của áp lực lạm phát gia tăng trong nền kinh tế khiến các nhà đầu tư lo lắng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Khởi đầu tuần mới, nhà đầu tư đã ồ ạt rút khỏi lĩnh vực công nghệ. Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn chịu áp lực lớn và lao dốc, với cổ phiếu Apple và Netflix đều giảm 0,9%, cổ phiếu Microsoft mất 1,2%, cổ phiếu Tesla sụt hơn 2%.

Theo giới quan sát, điều gây ra sự sụt giảm, không có gì ngạc nhiên, là nỗi lo về lạm phát và lãi suất. Gánh nặng lạm phát khiến nhóm cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng suy yếu.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử như Marathon Digital, Riot Blockchain và Coinbase giảm từ 3% đến 7% do bitcoin biến động sau khi ông chủ Elon Musk của Tesla đăng tweet bóng gió về việc “xả hàng” bitcoin.

Tuần này, thị trường chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed dự kiến công bố vào ngày 19/5 để lục tìm tín hiệu của cơ quan quản lý về lạm phát.

Ngoài ra, mùa báo cáo lợi nhuận quý 1/2021 đang khép lại với hơn 90% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả. Theo Refinitiv IBES, doanh thu tổng thể của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến ​​sẽ tăng 50,6% so với một năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 11 năm qua.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Dow Jones giảm 54,34 điểm (-0,16%), xuống 34.327,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,56 điểm (-0,25%), xuống 4.163,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 50,93 điểm (-0,38%), xuống 13.379,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ vào thứ Hai khi nhà đầu tư thận trọng trước sự lây lan của biến thể Covid-19 mới, làm lu mờ việc nền kinh tế Anh mở cửa trở lại. Cổ phiếu du lịch và giải trí là những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trong khi cổ phiếu viễn thông tăng mạnh nhất trong phiên.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,76 điểm (-0,15%), xuống 7.032,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 20,02 điểm (-0,13%), xuống 15.396,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,79 điểm (-0,28%), xuống 6.367,35 điểm.

Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên dầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm do thị trường lo lắng về tốc độ chậm chạp của chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong nước.

Chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng với cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe tiếp tục nới đà đi lên.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ và vật liệu.

Chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm do tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng bởi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến trên khắp Đài Loan, Singapore và các nơi khác trong khu vực.

Kết thúc phiên 17/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 259,64 điểm (-0,92%), xuống 27.824,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,24 điểm (+0,78%), lên 3.517,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 166,52 điểm (+0,59%), lên 28.194,09 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,80 điểm (-0,60%), xuống 3.134,52 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua tăng vọt, dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán và bitcoin đổ xô vào kim loại quý. Mặt khác, đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá vàng.

Kết thúc phiên 17/5, giá vàng giao ngày tăng 22,50 USD (+1,22%), lên 1.866,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 29,50 USD (+1,60%), lên 1.867,60 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục trong phiên ngày thứ Hai khi thị trường được hỗ trợ bởi kinh tế châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu đi lại của Mỹ tăng, song nguồn cung có dấu hiệu tăng đã hạn chế đà tăng của giá.

Nền kinh tế Anh mở cửa trở lại, mang lại “tự do” cho 65 triệu người sau đợt đóng cửa vì dịch bệnh kéo dài 4 tháng qua.

Với việc tăng cường tốc độ tiêm chủng, Pháp và Tây Ban Nha cũng đã nới lỏng các hạn chế liên quan giãn cách và vào thứ Bảy, Bồ Đào Nha và Hà Lan đã nới lỏng các hạn chế đi lại.

Những hứa hẹn về tăng trưởng kinh tế đã hỗ trợ giá dầu trong những tuần gần đây, mặc dù tốc độ lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tăng, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, các hãng hàng không ở Mỹ cho biết, hè này, nhu cầu đi lại của người dân có thể phục hồi đạt 80% nhu cầu hồi tháng 7/2019.

Mặt khác, các dấu hiệu về nguồn cung tăng hạn chế đà tăng của dầu trong phiên. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của Mỹ từ bảy hệ thống đá phiến lớn dự kiến ​​sẽ tăng 26.000 thùng/ngày trong tháng 6 lên 7,73 triệu thùng/ngày, mức tăng đầu tiên trong ba tháng.

Kết thúc phiên 17/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,90 USD (+1,4%), lên 66,27 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,75 USD (+1,1%), lên 69,46 USD/thùng.

Tin bài liên quan