TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trao đổi về những vấn đề nóng được dư luận quan tâm tại nghị trường Quốc hội kỳ họp này.
Dịch Covid-19 đang tác động sâu rộng đến kinh tế đất nước, nhưng tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ chưa trình phương án thay đổi mục tiêu tăng trưởng, mà vẫn giữ nguyên 2 kịch bản tăng trưởng là 6 và 6,5%. Tại sao vậy, thưa ông?
Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tại thời điểm này là hợp lý, bởi chúng ta chưa biết dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào trong 6 tháng cuối năm và mức độ tác động tới nền kinh tế ra sao để đưa ra con số điều chỉnh phù hợp.
Dù tăng trưởng GDP quý II/2021 đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,39% và 1,82% của kỳ năm trước, song một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã sớm phản ánh tác động tiêu cực của đợt dịch này. Theo chúng tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đi theo 3 kịch bản.
Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021, tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững hơn… Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 5,8-6%, tiệm cận mục tiêu Chính phủ hiện nay.
Trong kịch bản tích cực, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,3-6,5%. Còn trong kịch bản tiêu cực (đến cuối năm dịch mới cơ bản được kiểm soát), GDP năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng 5,1-5,3%.
Quốc hội kỳ này có nên bàn thảo các quyết sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế hoặc ban hành cơ chế đặc biệt trao quyền cho Chính phủ nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công?
Các cơ chế, quyết sách đặc biệt sẽ được Quốc hội bàn thảo, thông qua trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội không thể làm thay Chính phủ. Tất nhiên, đại biểu Quốc hội có quyền đưa ra đề bài cho Chính phủ với vai trò làm luật và giám sát.
Chắc chắn, tại kỳ họp lần này, bên cạnh vấn đề kiện toàn nhân sự, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để bàn thảo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch và giải pháp 6 tháng cuối năm, những quyết sách lớn cho 5 năm tới. Tôi cho rằng, Quốc hội sẽ chú trọng các vấn đề hoàn thiện thể chế, nhất là chất lượng và thực thi thể chế; củng cố nền tảng ổn định vĩ mô bên cạnh chính sách đảm bảo phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững, xanh và bao trùm.
Theo tôi, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vắc-xin. Làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.
Hai là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cùng với việc đánh giá, nghiên cứu đưa ra các phương án, gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo.
Ba là, Chính phủ cần cập nhật kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025. Trong đó, cần kiên định mục tiêu kép, tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh như: đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân; đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa; đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số trên nền tảng đổi mới, sáng tạo… Muốn làm được những việc này, các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng cần nhất quán ưu tiên triển khai.
Bốn là, chúng ta cần kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, không chủ quan với lạm phát (nhưng không thái quá); tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính. Đồng thời, phải duy trì tài khóa ổn định trên cơ sở lưu ý kiểm soát rủi ro nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng, phải có chính sách đa dạng hóa, nuôi dưỡng nguồn thu cùng với tái cơ cấu chi ngân sách hiệu quả hơn nữa.
Nhiều doanh nghiệp đang đề xuất các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp. Điều này có khả thi không, thưa ông?
Theo tôi, có thể nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm (lãi suất thị trường khoảng 8% thì doanh nghiệp chỉ phải trả 4-5%/năm, còn lại ngân sách hỗ trợ). Các ngân hàng thương mại, các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp để cùng thực hiện.
Thời hạn hỗ trợ lãi suất chỉ trong vòng một năm; áp dụng có trọng tâm, trọng điểm với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở địa bàn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, chứ không thực hiện cào bằng, đại trà như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009. Ước tính, với gói tín dụng trên, ngân sách sẽ bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai chính sách này.
Có ý kiến là, trong bối cảnh doanh nghiệp nhiều ngành sẽ cần nhiều năm mới phục hồi, Chính phủ và Quốc hội nên xem xét chính sách khoanh nợ cho các doanh nghiệp này. Ông nghĩ sao về vấn đề trên?
Bản chất khoanh nợ là cho phép doanh nghiệp được tạm dừng trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu sau đó doanh nghiệp được khoanh nợ vẫn không trả được nợ, thì ngân sách phải bù. Việc này sẽ khó xác định đối tượng nhận hỗ trợ, hơn nữa, cơ chế chi ngân sách cho khoanh nợ khó tạo được sự đồng thuận nhanh và hiệu quả.
Một vấn đề nữa là việc thực hiện các gói hỗ trợ hiện hành cần được triển khai nhanh gọn, trúng và hiệu quả; cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư - kinh doanh càng nhanh, càng tốt. Đó cũng là cách hỗ trợ rất hiệu quả, khả thi.