Chưa tìm được tiếng nói chung trong đàm phán nâng trần nợ công ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/5 tới, Tổng thống Mỹ Biden sẽ gặp bốn nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện - hai người thuộc đảng Dân chủ và hai người thuộc đảng Cộng hòa để thảo luận về phương án tăng trần nợ.
Đồng tiền mệnh giá 100 đô la Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng tiền mệnh giá 100 đô la Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề nâng trần nợ, trong khi Bộ Tài chính cảnh báo rằng nước này có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tới.

Ngày 6/5, một nhóm gồm 43 thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho một dự luật chỉ nâng trần nợ của Mỹ mà không giải quyết các vấn đề ưu tiên khác. Thượng nghị sỹ Mike Lee cho biết "cải cách ngân sách và chi tiêu thực chất" cần phải là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán.

Hạ viện Mỹ vào cuối tháng Tư đã thông qua dự luật tăng trần nợ lên 31.400 tỷ USD, trong đó có cắt giảm chi tiêu sâu rộng trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, dự luật đó dự kiến sẽ không được thông qua tại Thượng viện và có thể bị Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ quyết nếu được thông qua.

Ngày 9/5 tới, Tổng thống Biden sẽ gặp bốn nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện - hai người thuộc đảng Dân chủ và hai người thuộc đảng Cộng hòa để thảo luận về phương án tăng trần nợ.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Mỹ có thể không đủ tiền để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính trước ngày 1/6 hoặc trong vài tuần sau đó. Bế tắc chính trị đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.

Wendy Edelberg, nhà nghiên cứu kinh tế cấp cao tại Viện Brookings, cho biết nếu điều đó xảy ra, Bộ Tài chính có thể sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng mà họ đã chuẩn bị vào năm 2011, khi nước Mỹ đối mặt với tình huống tương tự.

Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính sẽ không để trái phiếu kho bạc vỡ nợ, và sẽ tiếp tục trả lãi cho những trái phiếu chính phủ đến hạn. Nhưng các khoản thanh toán khác, chẳng hạn như cho các nhà thầu của chính phủ, người thụ hưởng chế độ an sinh xã hội hoặc các nhà cung cấp dịch vụ cho chương trình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi Medicare, có thể sẽ bị trì hoãn. Việc chính phủ đóng cửa khó có thể xảy ra, mặc dù tiền lương của người lao động trong khu vực công có thể chưa được giải ngân.

Ngoài ra, nhà kinh tế Nancy Vanden Houten tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics cho biết, ngay cả khi kịch bản vỡ nợ không xảy ra, tình huống gần như vậy "sẽ gây xáo trộn cho thị trường và nền kinh tế."

Nhà kinh tế Bernard Yaros của công ty phân tích Moody's Analytics đã đưa ra những điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Quốc hội không thông qua kế hoạch cứu trợ cho các ngân hàng, dẫn đến một đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Ông Yaros nói thêm, lãi suất sẽ tăng đột biến, đặc biệt là lợi suất trái phiếu kho bạc và lãi suất thế chấp, điều đó sẽ dẫn đến chi phí vay cao hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể thu hẹp chi tiêu, trong khi niềm tin của người tiêu dùng yếu đi và gây tổn hại cho nền kinh tế.

Hội đồng Cố vấn Kinh tế đã cảnh báo rằng nếu Chính phủ Mỹ ngừng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, những cú sốc kinh tế có thể khiến hơn 8 triệu người mất việc làm vào mùa Hè này và GDP giảm khoảng 6%.

Một quốc gia được coi là vỡ nợ khi quốc gia đó không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình, chẳng hạn như trả nợ cho một quốc gia khác hoặc cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu chính phủ của quốc gia đó. Vỡ nợ một phần là khi một quốc gia không trả được một phần nợ và chính phủ có thể tuyên bố vỡ nợ bằng cách tuyên bố sẽ không trả nợ.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng có thể thông báo một quốc gia vỡ nợ sau khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày tự động sau ngày đến hạn thanh toán nợ. Hoặc, một chủ nợ tư nhân có thể thông báo công khai rằng một quốc gia đã không trả nợ.

Chuyên gia Yaros cho rằng nếu Bộ Tài chính không đưa ra một lộ trình hay thời điểm cụ thể về ngày mà chính phủ có thể vỡ nợ, thì các nhà lập pháp sẽ không cảm thấy áp lực phải đi đến một thỏa hiệp.

Chuyên gia Edelberg cho rằng, trái phiếu chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng đối với thị trường trái phiếu chính phủ và tác động lan tỏa nghiêm trọng đến các thị trường tài chính khác.

Điều đó cũng sẽ tác động đến chi phí và khả năng cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Những diễn biến đó có thể làm suy yếu uy tín của thị trường trái phiếu chính phủ - vốn được coi là tài sản an toàn và thanh khoản cao nhất trên thế giới.

Trước đó, hồi tháng Tư vừa qua, giới đầu tư cũng bày tỏ sự lo ngại về tranh cãi liên quan tới trần nợ công tại Mỹ.

Giới phân tích cho biết thời hạn để Chính phủ Mỹ tăng trần nợ lên 31.400 tỷ USD có thể đến sớm hơn dự kiến, kéo theo nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ và dẫn tới những tác động lan rộng khắp các thị trường tài chính toàn cầu.

Trong thập kỷ qua, bế tắc lập pháp liên quan tới trần nợ công tại Mỹ phần lớn đều được giải quyết trước khi ảnh hưởng của chúng có thể lan ra ra thị trường.

Tuy nhiên, kịch bản đó không phải lúc nào cũng xảy ra: tình trạng bế tắc kéo dài trong năm 2011 đã khiến Standard & Poor's lần đầu tiên hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, khiến thị trường tài chính chao đảo.

Lần này, một số nhà đầu tư lo ngại việc đảng Cộng hòa đang chiếm đa số trong Quốc hội có thể khiến khả năng hai đảng đạt được thỏa hiệp lần này trở nên khó khăn hơn.

Tin bài liên quan