Một màn biểu diễn võ thuật của các sư Thiếu Lâm. Ảnh:whatonxiamen.com

Một màn biểu diễn võ thuật của các sư Thiếu Lâm. Ảnh:whatonxiamen.com

Chùa Thiếu Lâm lên sàn chứng khoán

Nhà chùa Thiếu Lâm 1.500 tuổi và là cái nôi của võ thuật Trung Hoa có thể sắp kiếm 1 tỷ nhân dân tệ (147.000 USD) nhờ bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu.

Các nguồn tin từ chính quyền xác nhận tin này và cho biết một liên doanh giữa thành phố Đăng Phong - nơi có ngôi chùa nổi tiếng, với công ty Dịch vụ Du lịch Trung Quốc (CTS) sẽ niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong hoặc Thượng Hải vào năm 2011.

 

Tuy nhiên, các công trình kiến trúc của chùa sẽ không được đưa vào thành tài sản của liên doanh có tên Công ty Du lịch Văn hóa Đăng Phong Tung Sơn Thiếu Lâm.

 

"Liên doanh mới sẽ thúc đẩy du lịch ở vùng", nguồn tin chính phủ Trung Quốc cho hay. "Tuy nhiên, tài sản của nhà chùa, di sản văn hóa sẽ không bị gộp trong liên doanh".

 

Hãng CTS dự kiến chiếm 51% cổ phần và đầu tư bằng tiền mặt. Theo tin của tờ Bưu điện Đông phương Buổi sáng ở Thượng Hải, đôi bên đã ký hợp đồng tạm vào hôm 21/10. Thành phố Đăng Phong đồng ý bơm 6 triệu tệ cho liên doanh.

 

Chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam vốn từ lâu là điểm thu hút rất đông khách du lịch. Chỉ riêng năm ngoái đã có 1,6 triệu du khách đến vãn cảnh chùa và thưởng ngoạn mà biểu diễn võ thuật của các nhà sư. Nhà chùa cũng đã tổ chức các sô diễn ở London và New York, Telegraph cho hay.

 

Việc bán cổ phiếu ra công chúng chắc không đem lại tiếng tốt cho phương trượng chùa Thiếu Lâm, Shi Yongxin. Shi, 44 tuổi, trụ trì chùa khoảng 10 năm nay, và được cho là đã biến Thiếu Lâm thành một thương hiệu toàn cầu.

 

Những người chỉ trích ông cho rằng Shi đã biến một trong những cái nôi của Phật giáo Trung Hoa thành thứ mang tính thương mại. Họ dẫn chứng việc mặt trước của chùa đã được sử dụng làm phông nền cho những cuộc tỉ thí võ lâm mở và thậm chí cả một cuộc thi sắc đẹp có các thí sinh mặc đồ bơi. Những người bất mãn với sự biến đổi của Thiếu Lâm mỉa mai rằng ngày nay phương trượng Shi đã biến thành "Tổng giám đốc Sư".

 

Lão sư Shi thì khẳng định, ông "không phải là thương nhân" và "không có cổ phiếu nào hết".

 

Điều này được minh chứng bởi thông tin của tờ China Daily, theo đó thì hợp đồng là giữa Đăng Phong với CTS. Liên doanh sẽ quản lý các dịch vụ du lịch gần chùa Thiếu Lâm. Theo tờ báo này thì hai bên nói trên đã "quên" thông báo cho các nhà sư về công ty mới này.

 

"Chùa Thiếu Lâm là tài sản quốc gia, không phải sở hữu của nhà chùa hay chính quyền địa phương", Qian Daliang, giám đốc trung tâm quản lý tài sản phi vật thể và văn hóa của chùa Thiếu Lâm, nói. "Chính quyền thành phố Đăng Phong nên tham khảo ý kiến các chuyên gia và công chúng trước khi quyết định".