Xu thế mới
Airbnb không chỉ có mạng lưới rộng khắp, giá hợp lý, thời gian linh hoạt và những trải nghiệm như người dân địa phương, mà còn ở sự cọ xát, giao tiếp giữa người thuê và người cho thuê (host).
Chị Tống Thanh, chủ thương hiệu The Dragons Host, đang chăm sóc một khách thuê nhà đang điều trị bệnh dạ dày cho biết: “Nếu thuê phòng ở khách sạn, chưa chắc họ bỏ nhân viên ra để chăm sóc khách khi chẳng may nằm viện.
Nhưng với Airbnb, không ít lần tôi đã làm những việc như thế này. Đó là sự gần gũi giữa người thuê và người cho thuê”.
Xác định đầu tư kinh doanh nghiêm túc, Tống Thanh thành lập công ty và phát triển thương hiệu The Dragons Host. Chị đi thuê và cho thuê lại nhà, thử nghiệm mô hình để hiểu và sàng lọc khách hàng.
Sử dụng Airbnb và từ nhu cầu của bản thân, mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà cung ứng dịch vụ. Cũng là chủ nhà như Tống Thanh, chị Huyền Anh (quản trị nhóm Airbnb Hosts Việt Nam) dùng hai tầng nhà còn trống, chia thành 10 phòng cho thuê.
Từng là du học sinh tại Pháp, Huyền Anh hiểu nhu cầu của khách du lịch nước ngoài.
Thử thách khó khăn nhất dành cho các chủ nhà và điểm mấu chốt quyết định thành công là chính sách giá. Airbnb đưa ra mức giá gợi ý, tức là nếu không đặt giá cho từng ngày thì Airbnb sẽ áp giá cơ bản cho căn nhà/phòng, nhưng ít chủ nhà làm vậy, họ có thể đặt giá cho từng ngày, từng thời điểm...
Rất nhiều tiêu chí (không gian, thời gian, địa điểm, cơ sở vật chất...) quyết định giá phòng/căn nhà, nên khó có thể đưa ra một con số cụ thể.
Qua kinh nghiệm giảng dạy kinh doanh trên Airbnb, chị Huyền Anh đánh giá, có khá nhiều học viên làm ăn thua lỗ, đặc biệt là những trường hợp đi thuê và cho thuê lại, bởi không ước tính được giá, doanh thu, lượng khách...
Tỷ lệ lấp đầy phòng mỗi tháng sẽ quyết định lời lỗ. Cả hai người cho thuê nhà trên luôn đảm bảo con số này đạt ít nhất 70%, trong đó 90% khách hàng là người nước ngoài. Những đối tượng này luôn có kế hoạch dài hạn.
Đánh giá hai chiều tạo nên lòng tin cho người thuê và người cho thuê. Với những vật giá trị cao, chủ nhà cần chụp hình trước và đăng trên tài khoản trước khi khách nhận nhà và liên hệ ngay với Airbnb trong trường hợp yêu cầu đền bù các thiệt hại cơ sở vật chất.
“Tôi từng thông qua Airbnb yêu cầu khách đền 2 thẻ thang máy và bàn ủi. Chủ nhà và khách được phép viết nhận xét công khai về nhau, trong khi chỉ Airbnb mới có thể xóa nhận xét đó.
Dựa vào lịch sử, hồ sơ thuê và cho thuê, khách cũng như chủ nhà có thể chọn thuê hoặc từ chối cho thuê”, Tống Thanh nói.
Mỗi khách thuê phải chi từ 10-15%/lần đặt phòng/căn hộ và chủ nhà chi khoảng 3% cho Airbnb. Ví dụ, cho thuê căn hộ 50 USD/đêm, khách thuê sẽ phải trả từ 60-65 USD/đêm. Airbnb thu phí hai đầu cho mỗi giao dịch thành công.
Khó thu thuế
Tính đến cuối 2016, có khoảng 10.000 cơ sở lưu trú tại Việt Nam được đăng ký và kinh doanh trên Airbnb. Nhưng đến nay, Cục thuế TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM... chưa thể quản lý Airbnb. Một số công ty du lịch còn không biết Airbnb là gì.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, từ tháng 5/2017, Cục đã có kế hoạch quản lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử mà Airbnb là ví dụ. Nhưng kết quả chưa đạt kỳ vọng và hiện cũng chưa thu được thuế từ các đơn vị này.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, trên địa bàn Thành phố có 2.074 người cung cấp dịch vụ cho thuê phòng và căn hộ trên Airbnb. Trong đó, nhóm cho thuê có nhiều hơn 1 đơn vị lưu trú chiếm 45%.
Thu được thuế sẽ là động lực để cơ quan chức năng “quản lý” Airbnb. Cũng từ đó, sự an toàn cho khách thuê và trách nhiệm người cho thuê cũng được quản lý, tạo sự ổn định cho nền kinh tế chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Hữu Phước, sáng lập Công ty luật Phước & Partners cho rằng, Airbnb vẫn chưa đăng ký thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Nhưng theo Thông tư 103/2014/TT-BTC, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế.
Do đó, về mặt quy định pháp luật, đã có cơ sở pháp lý để thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp từ Airbnb. Vấn đề còn lại là quản lý như thế nào để tránh thất thu thuế.
“Bộ Tài chính đã có Công văn số 848/BTC-TCT hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến của Agoda, Traveloka, Expedia... tôi cho rằng cũng sẽ phải áp dụng như thế với Airbnb”, luật sư Phước nói.
Tuy nhiên, rất khó quản lý và thu thuế các cá nhân Việt Nam tham gia kinh doanh trên www.airbnb.com, khi toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, không cần xuất hóa đơn hay thanh toán bằng tiền mặt.