Chưa thể T + 2

Chưa thể T + 2

(ĐTCK) Rút ngắn thời gian giao dịch về T+2, hoàn thiện hệ thống vay và cho vay chứng khoán và đưa TTCK phái sinh vào hoạt động là 3 kiến nghị lớn, được Công ty Quản lý quỹ SSIAM đưa ra trong hội thảo mới đây tại UBCK.

Rút ngắn thời gian giao dịch về T+2, hoàn thiện hệ thống vay và cho vay chứng khoán và đưa TTCK phái sinh vào hoạt động là 3 kiến nghị lớn, được Công ty Quản lý quỹ SSIAM đưa ra trong hội thảo mới đây tại UBCK. Mong muốn của SSIAM là nhà quản lý cần sớm hoàn thiện các điểm trên để giúp khối CTCK có công cụ, thực hiện vai trò thành viên lập quỹ và tạo lập thị trường cho loại hình quỹ hoán đổi danh mục ETF - sản phẩm được kỳ vọng làm “hồi sinh” ngành công nghiệp quản lý quỹ tại Việt Nam.

Kiến nghị của SSIAM cũng là mong mỏi chung của các thành viên thị trường, sao cho khung pháp lý phải hoàn chỉnh, để mở rộng không gian kinh doanh và tăng tính hiệu quả cho TTCK. Tuy nhiên, trong số các đề xuất này, khả thi nhất chỉ có sự ra đời của hệ thống vay và cho vay chứng khoán, do hệ thống này đã được Trung tâm Lưu  ký chứng khoán (VSD) xây dựng, khả năng sẽ được UBCK, Bộ Tài chính chấp thuận ban hành vào đầu tháng 9, để hoàn thiện “miếng ghép cuối cùng” cho Quỹ ETF đầu tiên niêm yết và giao dịch trên HOSE.

Về TTCK phái sinh, theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK thì đến cuối năm nay, cơ quan này mới có thể hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét. Nếu may mắn Nghị định được Chính phủ thông qua vào đầu năm 2015 thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm, từ việc tạo dựng sản phẩm, tạo dựng thành viên, đào tạo công chúng đầu tư… mới có thể tạo nên một thị trường bậc cao và hoàn toàn mới tại Việt Nam. Điểm tựa cho TTCK phái sinh là quyết định của Thủ tướng, xác lập lộ trình ra đời thị trường này bắt đầu từ năm 2016, ngành chứng khoán phải hướng đến mốc thời gian này, nhưng thực thi được hay không, vẫn là một câu hỏi khó, trong bối cảnh thị trường còn ngổn ngang hoạt động tái cấu trúc, từ cấp Sở GDCK đến cấp các CTCK, công ty quản lý quỹ…

Điểm thứ ba, mong muốn giảm thời gian giao dịch từ T+3 hiện nay xuống T+2 có khả thi không? Nếu giảm được thêm 1 ngày như vậy, dòng tiền sẽ chu chuyển nhanh hơn, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, câu trả lời hiện tại là KHÔNG, bởi như phân tích của Chủ tịch VSD, bà Phương Hoàng Lan Hương trong một lần trao đổi với ĐTCK mới đây, thì T+2 không phải là vấn đề sửa hệ thống, mà là câu chuyện lớn của cả thị trường.

 “Theo quy định hiện hành, chứng khoán chỉ thuộc về người mua khi VSD hoàn tất việc chuyển sở hữu tại ngày T+3, còn ngày T+0, T+1, T+2, chứng khoán vẫn thuộc quyền sở hữu của người bán”, bà Hương nói một yếu tố và cho rằng, nếu cho phép người mua thực hiện bán chứng khoán ngày T+2 là cho phép họ bán khống, bởi phải đến ngày T+3, chứng khoán mới thuộc quyền sở hữu của người mua.

Không riêng tại Việt Nam, quy trình thanh toán chuẩn tại các TTCK lớn như Mỹ, châu Âu, theo VSD cũng đều là T+3. Theo đó, chứng khoán chỉ thực về tài khoản của người mua vào ngày T+3, nhưng điểm khác biệt là Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư bán khống, còn các TTCK lớn thì có công cụ này.

Bối cảnh hiện nay chưa thể mong hoàn thiện cấu trúc và nâng cấp TTCK Việt Nam trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc các thành viên đầu tiên như VFM, HSC, BVSC, SSIAM… góp sức với UBCK, VSD và 2 Sở GDCK phát triển các sản phẩm phức tạp như quỹ ETF trên nền một thị trường còn non trẻ là nỗ lực đáng ghi nhận, hướng đến triển vọng hoàn thiện hơn của TTCK Việt Nam.

Tin bài liên quan