Chưa thể khởi động lại dự án thủy điện nhỏ và vừa

Đã có 468 dự án thủy điện nhỏ và vừa được loại khỏi quy hoạch phát triển điện năng và hiện tại, việc khởi động lại các dự án thủy điện này chưa được xem xét.

Thiếu hiệu quả

Theo Bộ Công thương, từng có tình trạng nhà đầu tư “chạy” xong dự án là mua đi, bán lại mà không tổ chức thực hiện như giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Thậm chí, một số chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu còn vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án, hoặc vận hành khai thác, chưa kể năng lực quản lý khai thác, thiết kế dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa do Bộ Công thương và UBND các tỉnh lập, cả nước có 824 dự án thủy điện, với tổng công suất 24.778 MW, đạt 95,5% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Trong số đó, đã vận hành khai thác 343 dự án (công suất 17.987 MW), đang thi công xây dựng 165 dự án (công suất 3.348 MW), đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 260 dự án mới (công suất 3.050 MW), còn lại 56 dự án (công suất 393,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án thủy điện nhỏ có công suất 1 - 30 MW, cả nước có 714 dự án (công suất 7.238 MW) nằm trong quy hoạch, trong đó đã vận hành khai thác 270 dự án (2.767,7 MW), đang thi công xây dựng 141 dự án (1.739 MW), đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án (2.466 MW), còn lại 53 dự án (265,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư.

Chưa thể khởi động lại dự án thủy điện nhỏ và vừa ảnh 1

 Cả nước có 714 dự án thủy điện nhỏ có công suất 1 - 30 MW nằm trong quy hoạch. Trong ảnh: Thủy định Vĩnh Hà (Lào Cai).

Ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 62 (năm 2013) về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và Chính phủ có Nghị quyết 11/2014/NQ-CP để triển khai, Bộ Công thương đã cùng UBND các tỉnh tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện với tổng công suất hơn 2.000 MW. Đây chủ yếu là các dự án thủy điện công suất thấp, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực lớn với môi trường - xã hội.

Việc giám sát quản lý an toàn đập thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương cũng bộc lộ những bất cập nhất định. Hầu hết các địa phương xây dựng công trình thủy điện không có hoặc thiếu cán bộ có chuyên môn liên quan (xây dựng, thủy lợi, thủy điện) đến quản lý an toàn đập. Đó là chưa kể một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án bảo vệ đập, cắm mốc giới.

Vẫn có thể khai thác

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La (Sơn La) cho biết, hiện tại huyện Mường La có 23 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ, với tổng công suất 3.296 MW. Nếu loại trừ các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La (2.400 MW), Huội Quảng (520 MW) và Nậm Chiến (200 MW), thì còn 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trong số này có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 8 công trình đang thi công.

Do được xây dựng tại các dòng suối có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, bên cạnh đó, chịu tác động của biến đổi khí hậu, nên các dự án thủy điện vừa và nhỏ này luôn bị đe dọa an toàn trong quá trình hoạt động.

Dẫu vậy, ông Công cũng không quên sự đóng góp của thủy điện vừa và nhỏ cho địa phương, cụ thể là giúp tăng thu ngân sách của huyện. Năm 2016, số thu từ các dự án thủy điện vừa và nhỏ là 88,6 tỷ đồng, bằng 70,8% tổng thu ngân sách trên địa bàn và 8 tháng đầu năm 2017, các con số tương đương là 50,8 tỷ đồng và 55%. 

Đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia năng lượng cấp cao cho hay, ngoài Dự án Thủy điện Trung Sơn, công suất 260 MW được WB tài trợ 330 triệu USD trong tổng mức đầu tư 411 triệu USD, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ với tư cách là nguồn năng lượng tái tạo khác cũng đã nhận được tài trợ của WB trong Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP).

Với tổng vốn 337,2 triệu USD, trong đó WB tài trợ 202 triệu USD, Dự án được triển khai từ năm 2009 tới năm 2014 và được tiếp tục gia hạn tới năm 2018. Tới nay đã có 19 tiểu dự án với tổng công suất 311 MW được phê duyệt vay vốn, đạt 1,247% so với mục tiêu. Tới giữa năm 2017, có 14 dự án, chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành, với tổng công suất 248 MW. Phần vốn giải ngân từ tài trợ của WB đã được 160 triệu USD trên tổng số 202 triệu USD. “Các tiểu dự án đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, môi trường, xã hội, vận hành an toàn, đảm bảo khả năng trả nợ và có lãi”, ông Kỳ cho hay.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định rằng, hoàn toàn có thể bổ sung và tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Nhưng điều kiện tiên quyết là cần thay đổi các chính sách, cơ chế, giải pháp để bảo đảm lợi ích dài hạn. Việc phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa để tận dụng tài nguyên và cũng là cách giảm xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than, khi Việt Nam đã phải nhập khẩu than và nhiệt điện gây ra nhiều tác động tới môi trường.

“Tiềm năng của thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam còn lớn và có thể khai thác được nếu thay đổi các giải pháp. Ví dụ như cơ chế chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, không làm dự án để kiếm chác tài nguyên đất rừng, bảo đảm được an toàn cho nhân dân, môi trường…”, ông Thiên nhận định.

Dẫu vậy, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Bộ chưa có ý định xem xét lại việc cho phát triển 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã bị loại khỏi quy hoạch.

Tin bài liên quan