Dù tỷ trọng thu từ dầu thô trong tổng thu NSNN ngày càng giảm, nhưng thực tế cân đối ngân sách hàng năm rất bấp bênh theo giá dầu. Thưa ông, tại sao không tách riêng khoản thu từ dầu thô ra khỏi cân đối ngân sách để chủ động trong cân đối thu - chi?
Theo Luật NSNN, tất cả các khoản thu, bao gồm thu từ dầu thô, thu nội địa, thu từ xuất - nhập khẩu, thu từ nguồn viện trợ và một số khoản thu khác đều phải được cân đối vào NSNN. Vì thế, không thể tách riêng khoản thu từ dầu thô ra khỏi cân đối ngân sách.
Trước đây, khoản thu từ xổ số kiến thiết cũng được tính trong cân đối, nhưng sau đó đã được tách ra?
Từ năm 2007, Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép các tỉnh, thành phố có thu từ xổ số được cân đối khoản thu này ngoài NSNN. Toàn bộ số thu từ hoạt động xổ số được sử dụng đầu tư cho y tế, giáo dục. Trên thực tế, chỉ một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ mới có khoản thu từ xổ số khá lớn, các địa phương khác thu không đáng kể.
Trong khi đó, Ngân sách Trung ương được hưởng 100% khoản thu từ dầu thô. Số tiền thu được từ dầu thô sử dụng cho các khoản chi chung của NSNN, kể cả chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên, vì vậy vẫn phải hòa nguồn thu từ dầu thô vào tổng thu NSNN, chứ không quản lý qua NSNN như thu từ xổ số kiến thiết được.
Nhưng vấn đề là giá dầu thô hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, nếu vẫn cân đối vào NSNN thì cân đối luôn bấp bênh, thưa ông?
Tôi xin nói thêm rằng, không phải tự nhiên mà Bộ Tài chính trình mức giá dầu dự toán để Quốc hội quyết định, mà giá dự toán được tính toán, xác định trên cơ sở dự báo của tổ chức tài chính - ngân hàng uy tín trên thế giới, có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bộ, ngành hữu quan, được Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc thẩm định hết sức cẩn thận, khách quan, khoa học.
Do giá dầu thô vài năm trở lại đây giảm mạnh, nên giữa giá dự toán và giá thanh toán thực tế có độ vênh rất lớn, nhưng vẫn phải đưa vào giá dự toán để ước lượng số thu, trên cơ sở đó Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành mới có định hướng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cân đối NSNN hàng năm.
Giá dầu thanh toán trong quý I giảm trên 33% so với giá dự toán. Từ nay đến cuối năm, nếu giá dầu không tăng trở lại thì cân đối NSNN thế nào?
Bộ Tài chính đã có rất nhiều phương án khi giá dầu giảm xuống 55-50 USD/thùng; 45-40 USD/thùng; 35-30/thùng. Thậm chí, Bộ Tài chính còn đưa ra cả phương án xấu nhất là giá dầu giảm xuống mức 25-20 USD và một số mỏ giảm sản lượng hoặc tạm dừng khai thác khi giá thành khai thác cao hơn so với giá bán.
Theo tính toán, giá dầu cứ giảm 1 USD so với giá dự toán, thì NSNN giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó giảm do dầu thô 900 tỷ đồng và các khoản thu liên quan đến dầu khí khác giảm 600 tỷ đồng. Nếu giá dầu thanh toán năm nay giao dịch bình quân ở mức 30 USD/thùng, thì ngân sách giảm thu 45.000-46.000 tỷ đồng.
Cụ thể là cân đối thế nào đối với khoản hụt thu do giá dầu giảm để lại?
Do dầu thô là nguồn thu 100% của ngân sách trung ương nên giá dầu giảm chỉ có ngân sách trung ương giảm thu, còn ngân sách địa phương lại tăng thu do giá xăng dầu thành phẩm giảm, chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm, thu nhập tăng, nên đóng góp vào ngân sách địa phương tăng.
Nói chung, giá dầu giảm, tổng thu NSNN tăng. Cụ thể, năm 2015, giá dầu thanh toán giảm gần 44% so với giá dự toán, nhưng thu NSNN tăng 85.770 tỷ đồng so với dự toán, chỉ có điều khoản tăng thu này rơi vào ngân sách địa phương, còn Ngân sách Trung ương lại giảm thu khoảng 2.260 tỷ đồng.
Để bảo đảm cho ngân sách trung ương, năm 2016 ngành thuế tập trung thu từ nội địa trừ dầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng, chống gian lận thương mại… Chúng tôi dự kiến, với các biện pháp tích cực được triển khai, năm nay số thu từ nội địa tăng thêm 65.000 tỷ đồng so với dự toán để bù đắp hụt thu do giá dầu giảm.