Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội.
Ghi nhận nhiều kết quả tích cực, như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn đang được kiểm soát, song còn nhiều ý kiến lo ngại trước những vấn đề nổi lên giữa hai kỳ họp Quốc hội, trong đó có hạn chế, yếu kém trong quản lý thị trường vàng.
Lo diễn biến thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội) Vũ Hồng Thanh sốt ruột khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường này vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần.
Ông Thanh cũng cho biết, tới đây, dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Cùng tổ thảo luận, tiếp lời Chủ nhiệm Thanh, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, sự bất ổn gần đây của thị trường vàng từ quốc tế tới trong nước, thực sự đã gây tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ và tỷ giá VND/USD.
Cụ thể, giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng rất mạnh kể từ đầu năm 2024, đạt đỉnh mọi thời đại, khi cầu tăng đột biến chủ yếu do rủi ro địa chính trị và có thể đánh giá thêm một phần do hoạt động đầu cơ lũng đoạn nhân bối cảnh hỗn loạn này có hay không. Hiện tại, giá vàng thế giới đạt trên 2.400 USD/ounce, tương đương tăng hơn 20% so đầu năm, theo đó, giá vàng miếng SJC trong nước ở khoảng 91 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 24% so đầu năm.
Kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời cho tới thời kỳ trước Covid-19, giá vàng trong nước gần như bám sát với giá vàng quốc tế quy đổi. Tuy nhiên trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn lớn hơn giá vàng quốc tế quy đổi từ 15 đến 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức, đại biểu Đồng nhìn nhận.
Vị đại biểu Quảng Trị cho rằng, điều mà nhiều người băn khoăn là, thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Hẳn không phải là đến từ đa số người dân bình thường và do nguyên nhân thuần tuý rằng đây là một kênh đầu tư thay thế cho kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất hiện nay không còn hấp dẫn?
Liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? Nếu đúng thế, thì có giải pháp căn cơ nhưng theo dõi ở nhiều diễn đàn thì tôi chưa tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này, ông Đồng nói.
Cũng góp ý về thị trường vàng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh phải có giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề, tình trạng giá vàng nhảy múa, biến động, có giai đoạn tăng cao do với giá vàng thế giới. Dù có nguyên nhân khách quan nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn, ông Thắng nêu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại khi giá vàng trong nước thời gian qua biến động mạnh. Ông đồng tình giá vàng thế giới tăng cao, thì trong nước phải tăng theo, song mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang “ngày càng lớn”.
Theo đại biểu, khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, tâm lý của người dân sẽ ảnh hưởng. Người dân sẽ đổ xô đi mua, tích trữ vàng thay vì đem tiền đi đầu tư, gửi tiết kiệm hay sản xuất, kinh doanh.
Ông Cường đề nghị Nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới.
Về dài hạn, vị đại biểu TP. Hà Nội đề nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bởi theo ông, quy định tại văn bản này chỉ còn hiệu quả trong giai đoạn trước đây, nhưng hiện nay đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường vàng.
Đối với câu chuyện ứng phó linh hoạt hiện nay, ông dẫn câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vàng để tăng cung, nhằm giảm giá.
“Nhưng thực tế, có thể thấy, cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên nhiều hơn”.
Theo ông Cường, cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước đang là “đấu thầu ngược”, tức chính việc đấu thầu vàng của Nhà nước là tác nhân làm giá vàng tăng lên. Vì, Nhà nước đặt giá sàn cao hơn mức thị trường, như vậy, khi người tham gia đấu thầu trúng, người ta phải bán cao hơn mức mua vào, làm giá vàng tiếp tục tăng lên.
“Như vậy, mục tiêu lúc này không phải giảm giá vàng, mà là đấu thầu vàng làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu là để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với quốc tế, thì giá tham chiếu phải bằng giá vàng thế giới cộng với các loại thuế phí và nhu cầu. Bên cạnh đó, khi đấu thầu, anh nào mua vào phải bán ra với giá sát nhất của giá tham chiếu thì mới thắng thầu”, theo lời đại biểu Cường.