Chưa thay đổi bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Chưa thay đổi bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

(ĐTCK)  Xác định bảo hiểm bắt buộc là để bảo vệ lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy, cơ quan quản lý giữ nguyên quy định xử phạt đối với lỗi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.

Giữ nguyên quy định xử phạt

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Trong đó, dự thảo vẫn quy định xử phạt lỗi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.

Cụ thể, Điều 19 về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới có quy định:

Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Như vậy, mức phạt theo dự thảo đang được để bằng với mức phạt hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Ra đời với ý nghĩa nhân đạo nhằm hỗ trợ người tham gia giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản gây ra cho bên thứ 3, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã không còn xa lạ với người dân sau nhiều năm triển khai. Từ năm 1988, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành Nghị định số 30/HĐBT ngày 10/3/1988, Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997 và Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tục có đề xuất nên xóa bỏ hoặc điều chỉnh loại hình bảo hiểm này. Một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc xóa bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới, nhất là với xe máy vốn có tỷ lệ bồi thường nhỏ, mức chi bồi thường thấp, thủ tục bồi thường rườm rà, phức tạp...

Trong trường hợp tiếp tục duy trì thì nên thay đổi theo hướng tự nguyện, thay vì bắt buộc như quy định hiện hành, đồng thời cần số hóa loại bảo hiểm này, đặc biệt là đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục giải quyết bồi thường.

Tỷ lệ mua bảo hiểm xe máy vẫn thấp, dù bắt buộc

Để đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm và kế thừa các quy định trước đó, Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã được ban hành với nhiều điểm mới, tập trung vào việc tăng quyền lợi cho chủ xe cơ giới, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định 03/2021, Nghị định 67/2023 đã cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Theo đó, việc thu thập tài liệu của cơ quan công an có thẩm quyền chỉ thực hiện trong trường hợp tử vong hoặc cần phải xác minh lỗi hoàn toàn của người thứ ba, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Để đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, Nghị định 67/2023 còn bổ sung quy định chủ xe cơ giới có thể cung cấp bản ảnh chụp đối với tài liệu liên quan đến xe, lái xe; đồng thời có thể cung cấp bằng chứng chứng minh về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại trong trường hợp không có hóa đơn, chứng từ...

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, mức phí người tham gia bảo hiểm bắt buộc xe máy phải đóng ở mức thấp, chỉ từ 55.000 đồng/năm, trong khi số tiền bảo hiểm được hưởng khi rủi ro xảy ra cao, tối đa 150 triệu đồng/người/vụ, tức là chính sách này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.

Mặc dù vẫn là loại hình bảo hiểm bắt buộc phải mua và các quy định về chi trả bồi thường đã có nhiều thay đổi, nhưng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp cho biết, tỷ lệ mua bảo hiểm này vẫn rất thấp. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp (không có số thống kê chính thức), tỷ lệ tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy chỉ đạt khoảng 40%, tỷ lệ này với xe ô tô cao hơn, khoảng trên 90%. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy thấp do người dân chưa nhận thấy lợi ích của việc tham gia loại hình bảo hiểm này và còn e ngại về thủ tục giấy tờ khi yêu cầu chi trả bồi thường.

“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc mang tính xã hội là chính, nếu không bắt buộc thì tỷ lệ mua bảo hiểm này đối với xe máy và xe ô tô còn thấp hơn nữa”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Theo khảo sát thăm dò ý kiến trực tuyến trên trang web của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong số tổng cộng 3.992 phiếu bầu chọn tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024, có 37,83% cho rằng không cần thiết.

Theo thống kê của IAV, trong 6 tháng đầu năm 2024, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 8.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng doanh thu toàn thị trường. Doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đạt 2.264 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,8% và tăng 2,9% so với cùng kỳ. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 6.667 tỷ đồng, chiếm ty trọng 17,1% và tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm xe cơ giới là 43,8%.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, các cơ quan chức năng liên quan cũng như doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số các quy trình để thuận tiện hơn cho người dân khi mua loại hình bảo hiểm bắt buộc này. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung làm cơ sở dữ liệu, tiến hành số hóa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập và gửi hồ sơ qua điện tử… phù hợp với xu thế trong tương lai. Đối với việc bồi thường của loại hình bảo hiểm này, theo Bộ Tài chính, khi chi trả, chỉ trường hợp có người tử vong mới cần hồ sơ công an, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ 2 bên thiết lập bằng điện tử.

Tin bài liên quan