Chưa kịp "say", ngành bia lại nặng mối lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh kinh doanh quý II/2023 các doanh nghiệp bia chưa sáng như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong khi đó, những khó khăn phía trước còn rất lớn có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. 
Chưa kịp "say", ngành bia lại nặng mối lo

Quý II "thất thu"

Quý II là mùa nắng nóng và là mùa cao điểm tiêu thụ bia. Do đó, các doanh nghiệp bia được kỳ vọng sẽ có bức tranh kinh doanh tươi sáng hơn sau khi trải qua quý I có phần “hụt hơi”.

Đầu năm nay, ban lãnh đạo Sabeco (mã chứng khoán SAB - sàn HOSE) nhận định, ngành bia Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng khi thu nhập của người dân tăng nhanh, cộng thêm tiềm năng lớn từ phân khúc “bia không cồn” và xuất khẩu. Do đó, Sabeco đã thông qua mục tiêu doanh thu đạt 40.272 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.775 tỷ đồng, tăng 5%.

Tuy nhiên, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng với chi phí bao bì, nguyên vật liệu, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn, doanh thu thuần quý II/2023 của Sabeco đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, giảm 27%. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành lần lượt 36% và 38% kế hoạch năm.

Tổng CTCP Bia – Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN - sàn HOSE) cũng có kết quả tương tự khi doanh thu thuần hợp nhất quý II đạt 2.078 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất doanh nghiệp giảm 8% về mức 188,4 tỷ đồng.

Trong quý I, Habeco chứng kiến mức lỗ ròng hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 34,6 tỷ đồng. Đây cũng quý đầu tiên Công ty lỗ trở lại sau 3 năm đã ảnh hưởng đến kết quả nửa đầu năm của Habeco. Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 3.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm 22%.

Trước đó, ban lãnh đạo Habeco đã đưa ra dự báo, năm nay sẽ còn nhiều khó khăn về lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng. Đồng thời, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia tiếp tục tăng.

Ngoài ra, Habeco còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn là các tập đoàn đa quốc gia và phải đấu tranh gay gắt với sự xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn với các sản phẩm của Công ty.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại các công ty con của hai doanh nghiệp này.

Do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm so với cùng kỳ không tăng tương ứng, CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (mã HAD) cho biết doanh thu thuần quý II đạt hơn 62,5 tỷ đồng, tăng 6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 36%, xuống còn hơn 3,6 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, HAD có doanh thu thuần đạt hơn 77 tỷ đồng, tăng 10%, song lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3,4 tỷ đồng, giảm 29%.

Hay CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (mã SBM) cho biết sản lượng quý II giảm 6,19 triệu lít nên doanh thu thuần đạt 367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 56,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 22% so với quý II/2022. Trong 6 tháng, doanh nghiệp bia này có doanh thu thuần đạt 621 tỷ đồng, giảm 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 71,5 tỷ đồng, giảm 34%.

“Thấp thỏm” thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia đã có đóng góp ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy lùi vấn nạn hàng lậu, hàng giả.

Tuy nhiên, ngành này vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP khiến kết quả các doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng.

Đặc biệt, trong thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhất là với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu. Thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, bao bì… sản phẩm ngày càng khắt khe hơn cũng là áp lực với các doanh nghiệp. Vậy nên, các đơn vị kinh doanh phải chạy đua trong các chiến dịch khuyến mại, quảng cáo để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.

VIRAC Research cho rằng, Nghị định 100 sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Chưa kể các yếu tố như giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Cụ thể, một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia gồm bột trợ lọc dự kiến tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.

Khi những vấn đề nêu trên còn chưa giảm bớt, trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia. Điều này được cho là sẽ tạo sức ép rất lớn đến các doanh nghiệp trong ngành.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Báo Đầu tư, đại diện phía VBA cho biết, Hiệp hội hoàn toàn ủng hộ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân khi nghiên cứu tăng thuế đối với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, VBA muốn nhấn mạnh các mặt hàng rượu bia là mặt được phép sản xuất kinh doanh và hàng năm đóng góp vào Ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương hàng chục ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất đầu vào cho đến đơn vị đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ.

Tăng thuế sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với doanh nghiệp và vì vậy, doanh nghiệp cần phải có đủ thời gian để chuẩn bị và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, VBA nhận thấy không nên nóng vội, rút ngắn hay bỏ qua các yêu cầu, quy trình cần thiết khi sửa đổi bổ sung một luật thuế quan trọng như thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cũng về vấn đề này, tại hội thảo khoa học Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối như hiện nay. Theo đó, chưa điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu cho đến năm 2025 và thời điểm xem xét tăng thuế có thể là năm 2026 với mức tăng khoảng 5 - 10%.

Tin bài liên quan