Trên thực tế, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc xe máy rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Trên thực tế, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc xe máy rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Chưa hết băn khoăn có nên bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã chính thức thông qua từ tháng 6/2022, nhưng quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy vẫn gây tranh cãi.

Bộ Tài chính: “Các nước vẫn đang bắt buộc mua”

Ngày 23/9/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó có nội dung xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe máy (viết tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy).

Trước đó, trong tháng 7/2022, cử tri một số địa phương gồm Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân. Trước nữa, đề xuất này từng được đưa ra nhưng chưa được duyệt.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan tới xe gắn máy. Tai nạn giao thông gây thiệt hại cho không chỉ nạn nhân (về sức khoẻ, tính mạng, tài sản…), mà còn đối với cả chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý…), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội. Bộ trưởng Phớc cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc.

Trước đó, hồi tháng 5/2022 - thời điểm lấy ý kiến hoàn tất dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, đồng quan điểm với Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, được triển khai dưới hình thức bắt buộc tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đơn cử, tại Mỹ, 49/50 bang yêu cầu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu chung áp dụng khoảng 25.000 USD/người/vụ đối với thiệt hại về người và 10.000 USD/vụ đối với thiệt hại về tài sản.

Tiếp tục có những đề xuất

Dựa trên khảo sát thông tin thực tế thị trường, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair (chuyên hỗ trợ đòi bồi thường bảo hiểm xe) cũng đồng tình với đề xuất tiếp tục thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới (bao gồm cả mô tô, xe máy) song cần lập cơ quan chuyên trách hoạt động này tương tự như bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội, đi kèm theo một số yêu cầu bắt buộc.

Chẳng hạn, bắt buộc thu qua trung tâm đăng kiểm, có thể chi trả hoa hồng cho cơ quan đăng kiểm 5%, thay vì mức chi ngoài cao, có công ty bảo hiểm chi tới hơn 50% cho các đại lý như hiện nay; bắt buộc các công ty bảo hiểm phải giám định và bồi thường thay Nhà nước, sau đó hạch toán lại với Nhà nước. Khách hàng liên hệ với công ty bảo hiểm nào trên hệ thống thì công ty đó sẽ triển khai thủ tục bồi thường và được hưởng thù lao, có thể là 20-30% số tiền bồi thường, thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế cho các trung gian bán bảo hiểm.

“Nếu làm được những việc trên, công ty bảo hiểm chỉ có lãi chứ khó có thể lỗ, thậm chí còn phải ‘chạy đua’ cải thiện dịch vụ để khách hàng gọi mình”, ông Xuân nói, đồng thời cho biết, hiện ở một số nơi có tới hơn 50% phí bảo hiểm xe ô tô, 70% phí bảo hiểm xe máy bị thất thoát qua các kênh phân phối mà không đến tay khách hàng, nếu hạn chế được thất thoát thì công ty bảo hiểm chỉ có lợi.

Ở góc nhìn khác, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đánh giá, ý tưởng trên tuy hay nhưng khó triển khai trên thực tế vì khó đạt được sự đồng thuận của các công ty bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

“Trong khi chờ chốt các cách giải quyết thấu đáo hơn, theo tôi, có 2 giải pháp như sau: Một là, khi xảy ra yêu cầu bồi thường, khách hàng có thể thuê một công ty phụ trợ bảo hiểm để làm toàn bộ hồ sơ bồi thường cho đến lúc khách hàng được nhận tiền bảo hiểm, chi phí làm hồ sơ có thể do công ty bảo hiểm chi trả; hai là, nâng cao nhận thức của người dân bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của sản phẩm bảo hiểm xe máy nói riêng, bảo hiểm xe cơ giới nói chung, cùng với đó là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý…”, ông Sơn đưa ra đề xuất.

Bị kêu “gần như người mua không được bồi thường”

Ngoài thủ tục phức tạp như cử tri một số địa phương đã đề cập ở trên, lý do xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc mua loại hình bảo hiểm xe máy, hay mở rộng hơn là xe cơ giới, còn xuất phát từ thực tế tỷ lệ chi trả bảo hiểm nghiệp vụ này rất thấp.

Từng có ý kiến cho rằng, bảo hiểm xe máy có thể thu bắt buộc theo Luật nhưng gần như người mua không được bồi thường, cần cung cấp số liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới, trong đó có báo cáo cụ thể về số liệu thu, chi cho bảo hiểm xe máy khi gặp tai nạn. Có ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới chỉ áp dụng đối với xe ô tô.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, xe cơ giới (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy…) được xác định là nguồn gây nguy hiểm cao. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 4.652.946 ô tô, 72.061.323 mô tô và 1.449.379 xe máy điện và trong các phương tiện gây ra tai nạn, ô tô chiếm tỷ lệ 30,24% và mô tô là 63,48% (các phương tiện khác chiếm 6,28%).

Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này đạt trên 110,3 triệu lượt (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu lượt); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ) - theo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật năm 2019.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến 30/6/2022, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc xe máy đạt khoảng 545,4 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ khoảng 11,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 2,2%.

Dẫu vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, được triển khai dưới hình thức bắt buộc tại hầu hết các nước trên thế giới.

Trước ý kiến cho biết, hiện nay, trong bảo hiểm bắt buộc chỉ mới dừng ở bắt buộc bồi thường cho bên thứ ba khi phạm lỗi và gây ra tai nạn, mà chưa bắt buộc sản phẩm bảo hiểm cho chính bản thân chủ xe cơ giới tham gia giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới, mà chỉ bồi thường cho người thứ ba khi có thiệt hại xảy ra. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường do có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm. Trường hợp chủ xe cơ giới tham gia giao thông nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm như vật chất thân vỏ xe, tính mạng, tai nạn và chăm sóc sức khỏe chủ xe…

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai loại hình bảo hiểm này còn tạo ra quỹ bảo hiểm xe cơ giới để chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Theo thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới tài trợ 31,22 tỷ đồng cho 16 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ, chi hỗ trợ nhân đạo cho 14 trường hợp với tổng số tiền là 236 triệu đồng.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (đã được thông qua từ tháng 6/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, tổng hợp kết quả về nội dung này.

Tin bài liên quan