Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm xe máy sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm lấy lại niềm tin của người dân với sản phẩm này

Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm xe máy sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm lấy lại niềm tin của người dân với sản phẩm này

Chưa hết băn khoăn bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau một thời gian lắng xuống, đề xuất xóa bỏ sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) lại được dấy lên gần đây.

Chưa thôi đề xuất “dẹp”

Gần 15 năm nay, đề xuất “dẹp” sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe gắn máy thi thoảng lắng xuống rồi lại được xới lên. Ngay cả khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) ấn định đây là một sản phẩm bảo hiểm mang tính bắt buộc, hay sau khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (ngày 27/6/2024) quy định ngoài các loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo, từ ngày 1/1/2025, người tham gia giao thông phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, kiến nghị bỏ sản phẩm này vẫn được đưa ra.

Trong văn bản kiến nghị hồi tháng 7/2024, cử tri tỉnh Lâm Đồng cho rằng, rất ít người dân tham gia được hưởng lợi từ nguồn bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy, xe mô tô. Cử tri tỉnh Lạng Sơn cũng như cử tri một số tỉnh khác phản ánh tình trạng giải quyết bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà. Đồng thời, các cử tri cũng kiến nghị Bộ Tài chính công khai việc thu phí bảo hiểm cũng như chi trả bồi thường đối với loại hình bảo hiểm này.

Nhiều người cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên chuyển việc mua bảo hiểm xe máy từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện. Bởi lẽ, thực tế hiện nay, hầu hết các chủ xe gắn máy chỉ mua sản phẩm bảo hiểm này để đối phó với quy định pháp luật, chứ không trông đợi vào việc sẽ được chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu tai nạn xảy ra.

“Hãy để mua bảo hiểm xe máy thành tự nguyện thì mới nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Chỉ khi nào chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện và có sự cạnh tranh của các công ty bảo hiểm, quyền lợi của người mua mới được đảm bảo”, anh Nguyễn Tuấn Trường (trú tại đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu cấp thiết

Phản hồi ý kiến của các cử tri mới đây, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng) đã triển khai được hơn 9 tháng, bổ sung nhiều quy định đơn giản hóa thủ tục bồi thường và tăng quyền lợi của người mua bảo hiểm. Với dòng xe gắn máy có dung tích dưới 50 cc, phí bảo hiểm là 55.000 đồng/năm và số tiền tối đa doanh nghiệp bồi thường cho một người trong một vụ tai nạn là 150 triệu đồng. Chi trả bồi thường, mức bồi thường về người theo Bộ Tài chính đã được cụ thể hóa, đơn giản để áp dụng thống nhất.

Đối với các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Chia sẻ từ cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bảo hiểm (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, vướng mắc trong thủ tục bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới khá phổ biến. Cụ thể, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, giai đoạn từ năm 2021 đến giữa năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 1.000 đơn thư kiến nghị, phản ánh của người tham gia bảo hiểm về vấn đề chi trả bồi thường, trong đó có nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Tương tự, đại diện IAV cho biết, trong 3 năm từ 2021 - 2023, có 18 trường hợp người mua bảo hiểm có đơn thư kiến nghị, phản ánh gửi đến IAV, còn 6 tháng đầu năm 2024 có 8 trường hợp. Các nghiệp vụ bảo hiểm khách hàng phản ánh chủ yếu liên quan đến xe cơ giới.

Theo chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), từ ngày 1/12/2024, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã triển khai đường dây nóng để tiếp nhận và giải đáp các thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới 24/7. Đây cũng là kênh tiếp nhận thông tin tổn thất và phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên để hướng dẫn và giải đáp kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên liên quan về hồ sơ và thủ tục yêu cầu bồi thường.

IAV hy vọng, đường dây nóng trên, cùng tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.

Tuy vậy, nhiều người dân và chuyên gia bảo hiểm mong mỏi đây sẽ là kênh thông tin thực sự hiệu quả, chứ không chỉ lập ra “cho có”. Bởi thực tế lâu nay, có những đường dây nóng được lập ra, nhưng khách hàng rất khó khăn trong việc kết nối với tổng đài, hoặc kết nối được nhưng chỉ nhận được những câu nói chung chung, kiểu như “chúng tôi sẽ chuyển cho bộ phận liên quan”, sau đó “bặt vô âm tín”.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới, đặc biệt trong công tác tiếp nhận thông tin, xử lý bồi thường là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với các nhà bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, tạo niềm tin trong công chúng với sản phẩm nói riêng và với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung. Điều này càng cần đặt ra trong bối cảnh bảo hiểm xe cơ giới (trong đó có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới) là sản phẩm đóng góp doanh thu đáng kể cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong 8 tháng đầu năm 2024, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu hơn 11.700 tỷ đồng, chiếm 23% trong tổng doanh thu toàn thị trường phi nhân thọ; bồi thường đạt 5.293 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ trên 45% tổng doanh thu phí. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.950 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái; bồi thường đạt 439 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 18,3%.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính cho biết sẽ thanh tra việc triển khai bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Cơ quan này cũng sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy với 8 doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Không có bảo hiểm, xe máy tham gia giao thông bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo điểm a, khoản 2, Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, nếu không có bảo hiểm xe máy tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Căn cứ quy định tại Điều 7, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, bảo hiểm xe máy sẽ được đưa vào Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan, áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Khác với các loại bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.

Tin bài liên quan