Chưa công bố hết dịch, song “tự tin lấy lại 2 năm đã mất”

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, Việt Nam cũng vậy, song với sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có một tâm thế tự tin hơn để thực hiện các biện pháp mạnh nhằm tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại 2 năm đã mất.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách. Ảnh: Đức Thanh.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách. Ảnh: Đức Thanh.

Cuộc sống, thu nhập của người dân đã trở lại bình thường

Cuối tuần qua, Quốc hội dành trọn 2 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách. Như thường lệ, số đại biểu đăng ký phát biểu vẫn vượt xa thời gian cho phép.

Song, với sự điều hành linh hoạt của chủ tọa, đại biểu ở cả 63 đoàn đều có cơ hội thể hiện chính kiến tại nghị trường, trong 4 buổi thảo luận liên tục được truyền hình trực tiếp.

Ghi nhận nhiều điểm sáng, song các vị đại diện của dân vẫn canh cánh với nỗi lo lạm phát sẽ làm cho một bộ phận nhân dân đã khó càng thêm khó. Bên cạnh đó, những bất cập về chế độ tiền lương, về những xáo trộn của thị trường lao động sau đại dịch Covid-19... cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã chuyển sang ngành khác và khó tuyển dụng mới, đào tạo lại.

Tham gia giải trình những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận, thời gian qua, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, mặc dù còn một bộ phận khó khăn. Thu nhập bình quân người lao động quý III đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng, tăng 29,4%.

“Điều này cho thấy, cuộc sống và thu nhập của người lao động, người dân đã dần trở lại bình thường”, Bộ trưởng khái quát.

Vẫn theo Bộ trưởng, nhìn tổng quát, lực lượng lao động đã phục hồi nhanh, đến nay, chuỗi cung ứng về lao động đã trở lại bình thường, nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế.

Hiện nay, quy mô lao động đã đạt 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý III là 2,28%. Như vậy, Việt Nam thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Cả nước hiện còn 2,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm trên 9% số hộ gia đình. Đời sống một bộ phận nhân dân có khó khăn, lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn như nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, xã hội dành cho người lao động còn hạn chế. Lao động có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

“Chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp cũng là điều dễ hiểu”, Bộ trưởng đề cập “nốt trầm” của nền kinh tế đã khiến nhiều đại biểu sốt ruột trước đó.

Cũng chia sẻ với nỗi lo của đại biểu về chỉ tiêu tăng năng suất lao động đã nhiều lần hụt hơi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng Chương trình Quốc gia về tăng năng suất lao động.

Phát biểu sau cùng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có cơ sở để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại 2 năm vừa qua.

Nhiều thông điệp điều hành quan trọng

Nhìn nhận đầy đủ cả kết quả và hạn chế của năm 2022, nhiều đại biểu đồng tình với việc tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên đầu tiên trong mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Chính phủ dự kiến.

Nhưng, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng là nhiệm vụ không kém phần quan trọng để hiện thực hoá khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt các mốc này, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), từ nay đến năm 2030, GDP của Việt Nam phải tăng trưởng bình quân 8%/năm, sau đó trung bình là 7%/năm đến năm 2045.

“Với tốc độ cao liên tục như vậy, không có cách nào khác là phải phát triển bền vững như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, ông Huân nhận định.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,5% là phù hợp với bối cảnh chung. Chỉ tiêu này cũng được nhiều đại biểu đồng tình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, đặc biệt là các giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

Với thời gian có hạn, Bộ trưởng hồi âm một số vấn đề được đại biểu quan tâm.

Thứ nhất, với giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng khẳng định, đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Kết quả đến thời điểm hiện nay tuy có thấp hơn khoảng một điểm phần trăm, nhưng về giá trị tuyệt đối, thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.

Hiện nay, 76% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý, nên việc tổ chức thực hiện ở địa phương là quan trọng. Mà thực tế cho thấy, trong cùng thể chế, cùng điều kiện, có địa phương giải ngân cao, có địa phương giải ngân rất chậm. Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong các đại biểu Quốc hội ở địa phương đồng hành, giám sát từ lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Ý kiến đại biểu đề nghị sớm cụ thể hóa việc tách giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng, tách công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư ra một dự án riêng cũng được Bộ trưởng hồi âm.

Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề lớn, sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu không quản lý chặt chẽ. Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu khi sửa Luật Đất đai cho thực hiện một số hoạt động kiểm đếm, đo đạc, khảo sát trước, khi đã có quy hoạch và chủ trương đầu tư. Thực hiện việc đó trước khi thông báo thu hồi đất, theo Bộ trưởng, sẽ tiết kiệm, giảm ngay được 6 - 8 tháng.

Về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh hơn tiến độ triển khai.

Cũng đăng đàn cuối phiên thảo luận cuối cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát, điều hành linh hoạt ở mức độ phù hợp, cùng các công cụ khác để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

“Lúc này, Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Vì nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối, mà thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng với niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Thống đốc nói.

Cũng tham gia giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: “Sắp tới, đề nghị sửa Nghị định 95, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công thương, gồm quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động”.

Liên quan yêu cầu lành mạnh thị trường chứng khoán và trái phiếu, “tư lệnh” ngành tài chính cho biết, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là ngân hàng (46%), bất động sản (37,5%). Chính vậy, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định có liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu cuối cùng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, hơn một năm trước, khi tình hình rất căng thẳng, Việt Nam đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt, nhờ tiếp cận được vắc-xin để khẩn trương ổn định và đạt được những kết quả rất toàn diện. Theo Phó thủ tướng, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.

Phó thủ tướng cũng dành thời gian chia sẻ, hồi âm những vấn đề đại biểu quan tâm về hai lĩnh vực y tế, giáo dục. Ông nhấn mạnh, các ý kiến tại kỳ họp này đã toát lên một sự thấu hiểu sâu sắc với những thách thức và chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành y tế và giáo dục, chủ động nêu rất nhiều giải pháp, kiến nghị mà từ trước đến nay, hai ngành này luôn nỗ lực để thuyết phục mọi người.

“Bây giờ, chúng ta nhận diện ra thì chúng ta sẽ giải quyết được”, Phó thủ tướng bày tỏ.

Tuần này, Quốc hội chất vấn 5 thành viên Chính phủ

Theo nghị trình, tuần này, Quốc hội sẽ làm việc cả thứ Bảy, dành 2,5 ngày (từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11) chất vấn Thủ tướng và 4 thành viên khác, gồm Bộ trưởng các bộ Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tổng thanh tra Chính phủ.

Trong các vấn đề được chọn để chất vấn, có những nội dung được đại biểu đề cập khá nhiều trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội cuối tuần qua, như nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây; quản lý thị trường bất động sản, việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản....

Cũng trong tuần này, Chính phủ sẽ trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ vào sáng 3/11.Trọn ngày đầu tuần, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Tin bài liên quan