Ngay tuần đầu tiên của năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã hai lần liên tiếp phải thực hiện chế độ tạm ngừng giao dịch do các chỉ số chứng khoán giảm điểm hơn 7% và hiện nay đã phải tạm thời ngưng sử dụng quy định này.
Cách xử lý khủng hoảng có phần “khiên cưỡng” của Trung Quốc không đủ sức xoa dịu mối lo ngại của giới đầu tư trong nước và quốc tế, dẫn tới việc chỉ số Shanghai Composite đã giảm xuống dưới mức thấp nhất trong đợt chấn động diễn ra vào tháng 8/2015, khiến 5.000 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường.
Nỗi lo về thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc lan rộng ra toàn cầu, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục nâng lãi suất là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trong tuần này.
Chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 giảm 2,5% giá trị trong phiên giao dịch ngày 13/1, kéo theo giá dầu thô thế giới xuống sát ngưỡng 30 USD/thùng đã tác động tiêu cực đến xu hướng của thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có Việt Nam trong ngày hôm qua. Theo đó, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch và đóng cửa ngày 14/1 phía dưới ngưỡng hỗ trợ 555-560 điểm, duy trì xu hướng giảm điểm kỹ thuật.
Điểm lại giao dịch thị trường trong những ngày vừa qua, chúng tôi chỉ thấy lác đác một vài cổ phiếu vốn hóa trung bình đi ngược xu hướng, có thể kể đến là AAA, KVC, TVC, AMD... Nhìn chung, xu hướng giảm giá chiếm ưu thế trên thị trường, trải rộng từ nhóm vốn hóa lớn như BVH, MSN, HAG, SSI… đến nhóm cổ phiếu đầu cơ như VHG, FLC, HHS, OGC…
Đáng chú ý, khối nhà đầu tư nước ngoài sau 2 ngày đầu tuần mua ròng nhẹ trên sàn HOSE đã bất ngờ quay trở lại bán ròng khá mạnh trong 2 ngày 13 và 14/1 với giá trị lần lượt là 82,5 tỷ đồng và 123,2 tỷ đồng, đóng góp thêm lực cung tạo áp lực giảm điểm cho các chỉ số như VN-Index và VN30.
Những yếu tố bất lợi đối với thị trường chứng khoán nói trên không phải là những yếu tố mới xuất hiện mà đã bắt nguồn từ những tháng cuối năm 2015. Kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch kéo dài đã phần nào hạn chế giao dịch của khối ngoại trên thị trường và có vẻ như đã khiến nhà đầu tư tạm quên đi nỗi lo rút vốn của họ trong năm 2016, do hiệu ứng đồng USD tăng giá.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chưa có cơ sở nào cho thấy xu hướng rút vốn ròng ra khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam sẽ dừng lại và thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực này, ít nhất trong những tháng đầu năm 2016.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã lún sâu vào thị trường giá xuống (bear market, kháng cự tại 580 điểm), sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại vùng 555-560 điểm. Điểm hỗ trợ đáng tin cậy hơn của thị trường sẽ nằm tại vùng đáy của 2 năm qua tại 520-530 điểm. Khi mà những yếu tố tiêu cực nói trên vẫn còn hiện hữu, xác suất giảm điểm của VN-Index xuống vùng này là khá cao. Theo đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường ở thời điểm hiện tại.