Theo Tờ trình 2279/TTr-BCT của Bộ Công thương, từ nay đến năm 2030 không đưa quy hoạch điện mặt trời vào, mà giữ nguyên như hiện tại
Băn khoăn câu hỏi “đủ điện”
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản nhắc việc với Bộ trưởng Bộ Công thương về 3 vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Công thư 182/LĐCP về Quy hoạch điện VIII là tính khả thi của Quy hoạch điện VIII, về quy hoạch điện mặt trời và về quy hoạch điện khí LNG với yêu cầu báo cáo trước ngày 18/6/2022.
Trước đó, Bộ Công thương đã có Tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 và sau đó bổ sung Công văn 2715/BCT-ĐL ngày 20/5/2022 liên quan đến Dự thảo Quy hoạch điện VIII với 2 kịch bản.
Theo kịch bản cao được Bộ Công thương lựa chọn, tổng công suất lắp đặt đến năm 2030 (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn đồng phát tự cung tự cấp) là 145.930 MW.
Trong đó, điện than là 37.467 MW; thủy điện là 28.946 MW; LNG nhập khẩu là 23.900 MW; điện khí khai thác trong nước là 14.930 MW; điện gió trên bờ là 16.121 MW; điện gió ngoài khơi là 7.000 MW; các nguồn khác gồm sinh khối, thủy điện tích năng, pin lưu trữ, hydrogen là 3.830 MW và nhập khẩu điện là 5.000 MW.
Theo đánh giá của Chính phủ, cơ cấu này hướng tới giảm mạnh điện than, tăng mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; không phát triển điện mặt trời và có phát triển điện LNG để thay thế nguồn điện than ô nhiễm và nguồn thủy điện đã tới hạn.
Cũng theo phương án này, phát thải CO2 đạt đỉnh 250 triệu tấn vào năm 2035, giảm xuống 175 triệu tấn vào năm 2045 và ước đạt 42 triệu tấn vào năm 2050. Những con số này cơ bản đáp ứng được cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, trong Công thư gửi tới Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý đưa nội dung về Quy hoạch điện VIII ra họp Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất để có thể thống nhất các nội dung mà Bộ Công thương cần giải trình và các nội dung xin ý kiến, từ đó Bộ Công thương tiếp thu, hoàn thiện, sớm ban hành Quy hoạch điện VIII trong tháng 6/2022.
Dẫu vậy, có 3 vấn đề như trên được Thủ tướng yêu cầu làm rõ.
Cụ thể là, trong bối cảnh điện than không tìm được nguồn vốn tài trợ từ các định chế nước ngoài, điện khí LNG phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao chót vót như hiện nay, thủy điện thì tới hạn và điện mặt trời được đề nghị không triển khai cho đến năm 2030 thì phương án đưa ra hiện nay có đảm bảo được yêu cầu tiên quyết là “cân đối được điện cho nhu cầu sử dụng điện” hay không?
Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công thương phải trả lời được câu hỏi này và phải có tính toán khả năng phát triển nguồn điện, lưới điện, trạm điện theo Quy hoạch điện VIII có đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện từng năm kể từ nay tới năm 2030 hay không?
Điện mặt trời: bao nhiêu là hợp lý?
Liên quan đến điện mặt trời, Tờ trình 2279/TTr-BCT có nhắc tới việc từ nay đến năm 2030 không đưa quy hoạch điện mặt trời vào nữa, giữ nguyên như hiện tại là 8.738 MW tới năm 2030, giãn tiến độ các dự án nguồn điện mặt trời trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030 có tổng công suất là 6.200 MW, song chưa triển khai sang giai đoạn sau.
Bộ Công thương trong Công văn 2175/BCT-ĐL ngày 20/5/2022 đề nghị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã liệt kê rõ, trong số 6.200 MW chưa triển khai, có 1.925,8 MW đã được chấp thuận nhà đầu tư và 4.120,25 MW chưa được chấp thuận nhà đầu tư.
Bởi vậy, Công thư của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương nêu rõ hướng xử lý trước khi xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị có nhắc tới việc “xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm thay thế tối đa các nguồn hóa thạch”. Như vậy, việc không phát triển điện mặt trời tới năm 2030 có trái với Nghị quyết 55 hay không?
Chưa kể, với xu thế giá thành điện mặt trời ngày càng rẻ, công nghệ pin tích năng ngày càng phát triển với chi phí hợp lý hơn, thì việc ngừng phát triển điện mặt trời tới năm 2030 đã thực sự hợp lý chưa.
Băn khoăn điện khí LNG phụ thuộc nước ngoài
Cũng theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nguồn điện khí LNG nhập khẩu là 23.900 MW tới năm 2030, chiếm 16,4% tổng nguồn điện. Về đề xuất này, Công thư của Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng tính khả thi của quy hoạch điện khí LNG nhập khẩu.
Mặc dù Bộ Công thương đã giải thích tương đối khả thi với các số liệu tính toán đưa ra việc quy hoạch điện khí là phù hợp. Tuy nhiên, theo hướng này sẽ cần nhập khẩu 14-18 tỷ m3 khí LNG vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 LNG vào năm 2045. Con số này cũng cao hơn mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết 55-NQ/TW.
Sự băn khoăn của lãnh đạo Chính phủ còn ở chỗ, do xung đột Nga - Ukraine, giá đầu vào khí LNG nhập khẩu dao động trong khoảng 15-20 UScent/kWh, trong khi giá điện thương phẩm của Việt Nam hiện nay chỉ là 6-7 UScent/kWh. Điều này sẽ là trở ngại trong tương lai đối với việc ký kết các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN, khiến EVN phải mua đắt - bán rẻ.
Ngoài ra, việc phụ thuộc tới 16,4% nguồn điện vào nguồn khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 sẽ đặt Việt Nam vào rủi ro nhập khẩu giá khí cao khi có biến động địa chính trị trong khu vực và quốc tế từ nay tới năm 2030.
Trên thực tế, LNG vẫn là năng lượng hóa thạch, chỉ giảm phát thải CO2 khoảng 50% so với nhiệt điện than, nhưng với xu thế của COP26, câu chuyện các định chế tài chính ngừng tài trợ cho các dự án điện khí LNG sau năm 2025 cũng được xem là xu hướng. Bởi vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc Bộ Công thương cân nhắc, xem xét thận trọng tỷ lệ điện khí LNG nhập khẩu đến 16,4% vào năm 2030 là có khả thi, an toàn và trái với tinh thần Nghị quyết 55 hay không.