Quy định “Sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam) được đề xuất xây dựng từ 5 năm trước hiện chưa thể ban hành.
Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung, trong đó có việc xây dựng và ban hành Thông tư “sản xuất tại Việt Nam”.
Trong báo cáo, Bộ này cho biết, đang gặp nhiều vướng mắc liên quan về việc, sau 5 năm đề xuất, vẫn chưa thể đưa ra quy định, điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước.
Năm 2018, nhận thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước, Bộ đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trì xây dựng quy định “Sản xuất tại Việt Nam” (Made in Vietnam).
Tháng 5/2019, Bộ Công thương đã tiến hành xây dựng Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2019, nội dung Thông tư quy định chính sách vượt quá thẩm quyền của Bộ Công thương, nên Bộ đã báo cáo Chính phủ và được giao chủ trì xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Sau khi Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17/11/2020 được ban hành, Bộ Công thương tiếp tục tổng hợp, xin ý kiến, hoàn thiện bộ hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, nội dung chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa dự kiến quy định trong Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” đã được đưa vào Nghị định 111/2021/NĐ-CP.
Như vậy, văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ còn tập trung quy định về bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở thực hiện việc ghi nhãn về xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc xây dựng văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Nghị định lúc này không còn cần thiết.
Đến tháng 5/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP về việc rút nhiệm vụ xây dựng “Nghị định sản xuất tại Việt Nam”.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị: Đồng ý về việc rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”; Bộ Công thương xem xét, quyết định ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư.
Bộ Công thương nêu rõ, tại thời điểm Bộ đề xuất và xây dựng văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư năm 2018, nội dung Thông tư bao gồm 2 chính sách, gồm: Quy định bộ tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và Quy định cách thể hiện (cách ghi nhãn) hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Song, do quy định chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vượt quá thẩm quyền của Bộ, Bộ đã đề nghị nâng hình thức văn bản lên cấp Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên sau đó, nội dung chính sách đã được đưa vào Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Nghị định là không còn cần thiết.
Bên cạnh đó, việc ban hành Thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” chặt hơn so với hành lang pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước, trên cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, tác động đến hệ thống văn bản pháp luật hiện tại, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP đã quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
Như vậy, trừ trường hợp hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài thì gần như các tiêu chí tại Thông tư sẽ là bộ tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ đối với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, phạm vi tác động của Thông tư “Sản xuất tại Việt Nam” khi được ban hành sẽ rất lớn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vốn đã quen với các khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán các thông số… thì việc tuân thủ quy định tại Thông tư không quá khó khăn.
Ngược lại, với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hay hộ kinh doanh cá thể thì việc xác định mã số HS hay tính toán hàm lượng giá trị của từng nguyên liệu trong sản phẩm để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo như quy định hiện tại tại Thông tư sẽ là thách thức lớn, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt là khi hoạt động truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, việc xác định nguồn gốc xuất xứ của từng linh kiện, từng nguyên liệu không phải dễ dàng và rất tốn kém.
"Xét trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hết sức khó khăn, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp tại thời điểm này", Bộ Công thương cho biết..
Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những vấn đề vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” ở cấp Thông tư tại một thời điểm thích hợp để hạn chế thấp nhất tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.