TTCK đang nỗ lực để quay lại thời hoàng kim.

TTCK đang nỗ lực để quay lại thời hoàng kim.

Chú ý đèn vàng!

(ĐTCK-online) TTCK đang trong giai đoạn nhạy cảm nhất. Đón năm mới, có lẽ tất cả chúng ta đều mong chờ một món quà đầu năm như niềm an ủi sau chuỗi ngày ảm đạm của đợt điều chỉnh, mà nhiều người gọi đó là giai đoạn "thị trường đỏ".

Chúng ta đang hy vọng nhưng tất nhiên, cũng giống như đèn giao thông hằng ngày, không thể từ đèn đỏ nhảy luôn qua đèn xanh. Thị trường đỏ cũng vậy, nó luôn phải trải qua một giai đoạn đèn vàng, tiếp nối chuỗi ngày đỏ ảm đạm. Trên TTCK, giai đoạn đèn vàng này là phức tạp và có tính phân loại cao nhất.

Vậy TTCK sẽ phải vượt qua chướng ngại gì trên đường tìm về với màu xanh quen thuộc?

 

Chướng ngại tâm lý

Có lẽ hiếm có gì mong manh hơn niềm tin của nhà đầu tư sau khi trải qua giai đoạn thị trường đỏ, bởi thông thường,chúng ta sẽ luôn ghi nhớ cái "kẻ" đã làm chúng ta mất không ít tiền bạc. Bất kỳ một bước đi tích cực nào của thị trường lúc này, chúng ta cũng đều đặt ra một dấu hỏi đầy nghi hoặc, nhất là khi tất cả đã quá chai lỳ với những phiên tăng giá lẻ tẻ (rồi sau đó lại đi xuống thê thảm hơn) trong giai đoạn trước kia.

Nếu ai đã từng đọc qua lý thuyết về sóng Elliot thì đây chính là con sóng chủ số 1, xuất phát từ thị trường suy thoái, con sóng chứa đầy sự nghi hoặc, mệt mỏi, thậm chí chính các nhà phân tích kỹ thuật cũng không nhận ra nó.

Tôi không đề cập đến những tác động cụ thể như: chỉnh sửa Chỉ thị 03, lùi thời hạn thực hiện thu thuế thu nhập chứng khoán, giãn IPO các DN lớn… Bởi trong giai đoạn này, những đám mây đen vẫn còn bao phủ, nhà đầu tư chưa sẵn sàng đón nhận thông tin tốt với con mắt khách quan hơn.

Thị trường muốn tiến lên thì buộc phải có lực đủ mạnh để xuyên thủng đám mây đó, tức là nó phải bắt đầu một quá trình gây dựng lại niềm tin.

 

Những cuộc phân phối sớm

Những cuộc phân phối này cũng bắt nguồn từ yếu tố tâm lý. Nếu chúng ta đã đầu tư trong giai đoạn thị trường đỏ và chịu không ít thua lỗ. Ắt hẳn đến một lúc nào đó, ta phải tự hứa với lòng mình rằng, ta sẽ bán ngay lập tức nếu cổ phiếu đạt được mức giá bằng hoặc thậm chí chỉ gần bằng mức giá mà ta cho là đủ để cắt lỗ.

Có lẽ càng chịu nhiều tổn thất thì mơ ước của con người ngày càng giản dị. Khi thị trường vừa hửng lên một chút, các nhà đầu tư thường có xu hướng muốn "tống khứ" ngay lập tức cái thứ đã khiến họ phát ốm trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều "đại gia" lại tích cực gom hàng và rõ ràng, không có lý do gì mà phải trả cái giá cao hơn đối với một món hàng có thể mua được với giá thanh lý!

Hệ quả là chúng ta sẽ thấy những phiên thị trường giảm giá, trong khi khối lượng giao dịch vẫn rất lớn. Những người bi quan lại càng có lý do để tin rằng, thị trường con gấu vẫn tiếp diễn!

Vậy thị trường sẽ phải làm gì? Chúng ta đều có chung một niềm tin rằng, chẳng có thị trường nào là đi xuống mãi mãi, cũng như không một cái đèn giao thông nào cứ đỏ mãi và giữ chúng ta lại ngã tư hết ngày này qua ngày khác. Nhưng trên TTCK, vấn đề không phải là chúng ta có đi được hay không, mà điều quan trọng là chúng ta có đủ tinh tế để nhận ra được đâu là "đèn vàng" để chuẩn bị xuất phát sớm nhất không.

TTCK đang nỗ lực để quay lại thời hoàng kim, có lẽ nhiều người vẫn tin rằng, chỉ có những động thái tích cực của Chính phủ mới có khả năng giải quyết được vấn đề. Nhưng tôi tin rằng, “cậu bé” VN-Index, hay HASTC-Index hoàn toàn có thể đứng trên đôi chân của mình,trước khi nhờ tới bất cứ một sự trợ giúp nào.

Tất nhiên, trước mặt cậu bé, vẫn còn rất nhiều chướng ngại vật nữa, và có lẽ từ tháng 11 đến giờ, thị trường đã đánh mất của chúng ta quá nhiều niềm tin. Nhưng lịch sử đã chứng minh, thị trường thường "chân thật" nhất, lúc tất cả nhà đầu tư đều đã kém tin tưởng vào nó nhất. Và tôi tin rằng, những "chướng ngại tâm lý" hay các cuộc "phân phối sớm" kể trên chính là một liều thuốc thử xem bạn có phải là nhà đầu tư thành công hay không?!