Chỉ tính riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tới chủ 5 chiếc xe Bentley Mulsanne và Bentley Continental Flying Spur Speed phải chi ra nhiều tỷ đồng để nộp các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng để yên tâm rong ruổi đón Tết Giáp Ngọ đang tới, mà không lo bị tịch thu xe.
Đây vốn là những chiếc xe được nhập khẩu theo đường ngoại giao, mang biển số nước ngoài, nhưng đã tiến hành chuyển nhượng cho người Việt Nam, song không nộp các loại thuế theo quy định. Vì vậy, khi chính sách không để xe biển ngoại giao hết hạn lưu hành tại Việt Nam được tự do đi lại, gây mất công bằng xã hội và thất thoát lớn về thuế cho Nhà nước được các cơ quan tài chính và công an siết chặt, ngân sách đã thu thêm được nhiều trăm tỷ đồng, bởi các chủ xe ùn ùn kéo nhau đi nộp thuế.
Đơn cử, trong số 5 chiếc Bentley nói trên, có 1 chiếc Bentley Mulsanne (xuất xứ Anh, sản xuất năm 2010, được cấp giấy phép nhập khẩu tháng 7/2011) phải nộp hơn 5,7 tỷ đồng tiền thuế các loại. Chủ một chiếc Bentley Mulsanne khác (sản xuất năm 2010, được cấp phép nhập khẩu tháng 5/2011) cũng phải móc hầu bao trên 5,15 tỷ đồng để nộp thuế.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều chủ xe Mercedes Benz S63 hay BMW X6 mang biển ngoại giao không đúng quy định đến nộp thuế cũng mang lại thêm cho ngân sách bình quân khoảng 1 tỷ đồng/chiếc.
Trong danh sách các siêu xe chạy nộp thuế trước ngày 31/12/2013, còn có Lamboghini LP640 (dung tích 6.496 cc, sản xuất năm 2006, được nhập khẩu vào năm 2011). Mới đây, tại TP.HCM, khi nộp thuế để làm chính chủ, chủ chiếc xe này đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 4 tỷ đồng.
Tại Hải Phòng, trong số những chiếc xe Porsche, BMW series 7, Lexus LS 600HL mà chủ buộc phải “nghiến răng” bỏ thêm từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng để được là chính chủ, thì đáng chú ý nhất là chiếc Porsche Panamera Turbo (dung tích 4.806 cc, sản xuất năm 2009) phải nộp thêm tới 2,1 tỷ đồng tiền thuế.
Một chiếc Porsche Panamera Turbo đời 2014 hiện có giá ở nước ngoài là 150.000 - 200.000 USD, nghĩa là xe mới nhập khẩu về Việt Nam có giá cỡ 10 tỷ đồng (đã bao gồm thuế các loại).
Sở dĩ các chủ siêu xe mang biển ngoại sai quy định đua nhau móc túi để nộp thuế trước ngày 31/12/2013 là, bởi e ngại nếu không đóng thuế theo đúng quy định, thì xe hoặc chỉ có thể đắp chiếu trong gara, hay bị tịch thu khi lưu thông trên đường.
Trong tháng 11/2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với đề nghị của cơ quan hữu trách về việc xử lý xe ô tô, xe gắn máy mang biển số ngoại giao và biển số nước ngoài sử dụng không đúng quy định. Theo đó, chỉ cho phép người quản lý, sử dụng các xe nêu trên, nếu đã đến cơ quan Công an làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn Bộ Công an quy định và làm thủ tục chuyển nhượng, nộp thuế theo đúng quy định trước ngày 1/1/2014. Làm đúng như vậy, chủ xe còn không bị phạt chậm nộp thuế.
Với trường hợp không đến cơ quan Công an làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn Bộ Công an quy định, hoặc đã làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, biển số xe trong thời hạn quy định, song đến ngày 1/1/2014 không làm thủ tục chuyển nhượng, nộp thuế, mà vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng xe trái quy định, thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm (kể cả tịch thu) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Nhằm để không tái diễn tình trạng xe nhập khẩu của các viên chức ngoại giao hết hạn lưu hành, nhưng không được tái xuất, trả biển hoặc chưa nộp đủ các loại thuế theo quy định với những trường hợp chuyển nhượng, Bộ Ngoại giao đã liên tục có thông báo với Bộ Tài chính danh sách các xe và biển số ngoại giao, nước ngoài đã được cấp phép tạm nhập khẩu theo quy định. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng có thông báo chi tiết và rõ ràng tới các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam về việc rà soát các xe được nhập khẩu theo định mức, để không tái diễn tình trạng viên chức ngoại giao đã về nước, nhưng xe vẫn lưu hành tại Việt Nam và không làm đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.