Chú trọng nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

Trong các kiến nghị gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020, phát triển nguồn năng lượng được nhiều tổ chức nhấn mạnh là điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế.

VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

VBF là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát triển kinh tế đòi hỏi đảm bảo nguồn cung điện

Trong văn bản gửi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF 2020) với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, ông David John Whitehead, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) cho biết, nhiều công ty ở Australia đang phải vật lộn để tồn tại và chuyển đổi để vận hành tinh gọn hơn, tập trung hơn và đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

“Tuy vậy, một số doanh nghiệp Australia, đặc biệt là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, quản lý thông minh và hỗ trợ công nghệ tiên tiến sẽ tận dụng lợi thế trong bối cảnh hiện nay để đẩy mạnh đầu tư, phát triển tại Việt Nam, cũng như các nước lân cận”, ông David John Whitehead cho hay.

Nguyên nhân được vị Phó chủ tịch Auscham Việt Nam đưa ra là “vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. “Chúng tôi kỳ vọng rằng, vào giữa năm 2021, tình hình kinh doanh sẽ có bước khởi sắc với việc mở cửa thị trường quốc tế và khôi phục hoạt động thương mại...”, ông nói.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 11 tháng đạt 26,43 tỷ USD, tương đương 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đại dịch năm 2020, những con số này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là “khá tích cực”.

Còn theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.878,9 ngàn tỷ đồng, tăng 19,3% về vốn đăng ký. Tính cả 3.086,9 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 36.200 doanh nghiệp, thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.965,8 ngàn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các con số trên cho thấy, dòng vốn vẫn đang được đưa vào thị trường. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên. Do đó, việc đảm bảo nguồn điện và lượng điện cung cấp bằng cách phát triển lưới điện trở thành vấn đề cấp bách.

“Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần xem xét các nguồn năng lượng phù hợp với tình hình của Việt Nam và thân thiện với môi trường, đây là một vấn đề đang được quan tâm trong những năm gần đây”, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nêu rõ trong văn bản kiến nghị gửi tới VBF cuối kỳ năm 2020.

Cần chú trọng cả hạ tầng lẫn chính sách

Ghi nhận những thành công của Việt Nam khi đã và đang chú trọng vào năng lượng tái tạo, nhưng Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF cho rằng, năng lượng tái tạo chỉ là một phần nhu cầu của Việt Nam và Việt Nam cần nhiều điện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

“Nếu điện năng không được sản xuất từ than đá, sẽ phải được sản xuất từ khí hoặc nhiên liệu hạt nhân. Những dự án này có thể đòi hỏi chi phí từ 5 - 50 tỷ USD. Để thu hút những dòng vốn này, Việt Nam cần phải xem xét các dự án lớn này tách biệt với các dự án hạ tầng nhỏ hơn khác”, Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF đề xuất.

Về mặt chính sách, Nhóm Công tác Điện và Năng lượng VBF cho rằng, cần xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nhờ đó giảm bớt áp lực về công suất điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chia sẻ trách nhiệm này với nhiều đối tượng sử dụng điện, các đơn vị sản xuất điện trong mô hình sản xuất phân tán.

Đồng thời, giảm chi phí hệ thống điện so với kế hoạch năng lượng tập trung vào than bằng cách hạn chế tính dễ bị tổn thương đối với thị trường than biến động, tránh các khoản nợ tài chính của tài sản bị mắc kẹt, giảm chi phí liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tác động môi trường.

Theo JCCI, chế độ chính sách ổn định là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng lập kế hoạch đầu tư trung và dài hạn. Với năng lượng tái tạo, JCCI đề nghị Chính phủ xem xét duy trì và kiện toàn Chính sách Feed-in Tariff (Biểu giá điện hỗ trợ) phù hợp hơn, hoàn thiện hợp đồng mua điện, giúp nhà đầu tư dễ dàng vay vốn ngân hàng hơn, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục khi bổ sung dự án vào Quy hoạch Tổng thể phát triển điện lực, áp dụng ưu đãi cho công ty và nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo...

Hoàn thiện hạ tầng về LNG

Theo JCCI, để sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), việc hoàn thiện hạ tầng như kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng… là không thể thiếu. JCCI kiến nghị Chính phủ nhanh chóng xúc tiến hoàn thiện hạ tầng này dựa trên Quy hoạch Tổng thể ngành công nghiệp khí (ban hành năm 2017).

Tin bài liên quan