Bị cáo Chung.

Bị cáo Chung.

Chủ tọa công bố “giải mã” chiếc iPad của ông Nguyễn Đức Chung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 30/12, phiên tòa xét xử vụ án can thiệp gói thầu dự án số hóa tài liệu hồ sơ doanh nghiệp xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục với phần tranh luận.

Trước khi đại diện VKS đối đáp, chủ tọa Vũ Quang Huy đã công bố nội dung liên quan đến chiếc iPad của bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Chiếc iPad có chứa email chunghinhsu@gmail.com được coi là “vật chứng mới” do luật sư Nguyễn Văn Tú xuất trình tại tòa.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung nhiều lần khẳng định không đọc email của Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường - hiện đang bỏ trốn) để yêu cầu dừng thầu, “tác động”, can thiệp, giúp Công ty Nhật Cường tham gia thí điểm và trúng 2 gói thầu dự án số hóa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Chủ tọa Vũ Quang Huy cho biết, sau khi tiếp nhận vật chứng mới, tòa án đã chuyển cho VKS để làm thủ tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự. VKS đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao xem xét chiếc iPad với sự chứng kiến của bị cáo Chung và luật sư.

“Bị cáo Chung không nhớ mật khẩu mở iPad, nói sẽ cung cấp mật khẩu sau. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm cho biết, theo chính sách bảo mật của Google, chỉ xem xét được lịch sử truy cập trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập email trên. Việc truy cập email không nhất thiết phải sử dụng iPad mà sử dụng các thiết bị khác như máy tính, điện thoại. Trường hợp có mật khẩu chiếc iPad cũng không có căn cứ đã đọc hay chưa”, chủ tọa thông tin.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tự bào chữa

Trong phần tự bào chữa vào chiều 29/12, bị cáo Nguyễn Đức Chung thừa nhận có 3 lần gọi điện thoại cho bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

"Tôi có trình bày, 3 cuộc gọi điện thoại đó đã nói dừng, yêu cầu bổ sung chỉ đạo, bổ sung dự án vì chưa được thẩm định. Đây là dự án cập nhật dữ liệu lên hệ thống dữ liệu quốc gia", bị cáo Chung trình bày.

Theo bị cáo, đối với những dự án cập nhật lên dữ liệu quốc gia thì đều do Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và phải có ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong trường hợp này, đây là một tiểu dự án của một trong 63 tỉnh thành cập nhập lên hệ thống.

Nội dung bị cáo Tứ nêu trong báo cáo chưa có nên mới có cuộc gọi thứ 2 và 3. Khi đó, bị cáo Tứ có xin để Sở được vận dụng, xử lý nhằm mục đích không để các nhà thầu kiện và không để báo chí đăng vì ông Tứ mới lên làm Giám đốc Sở.

"Tôi khẳng định với HĐXX, tôi với tư cách là một con người, không xem email của Bùi Quang Huy gửi để từ đó gọi điện thoại cho bị cáo Tứ", ông Chung nói và cho rằng mình chưa bao giờ gợi ý hay yêu cầu cấp dưới phải ủng hộ Nhật Cường hay bất cứ doanh nghiệp nào.

Bị cáo Chung khẳng định, việc vận dụng công nghệ của Nga trong dự án chỉ xuất hiện sau ngày 31/7/2016 khi hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm ra mắt cổng dịch vụ công.

“Từ các trình bày trên, mong chủ toạ cho phép tôi bác bỏ lời khai của ông Tứ về việc yêu cầu đình chỉ thầu để đưa công nghệ Nga vào”, bị cáo Chung nói.

Bị cáo tiếp tục khẳng định, từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa bao giờ được UBND thành phố phân cấp cho thẩm quyền là chủ đầu tư dự án số hoá. Bản thân bị cáo khi là Chủ tịch Hà Nội cũng chưa bao giờ ký một quyết định nào cho Giám đốc Sở mua sắm trong dự án này.

Nhắc đến Công ty Nhật Cường, bị cáo Chung cho hay, Công ty này chỉ làm duy nhất cho thành phố phần mềm dịch vụ công. Họ tự bỏ tiền đàm phán, khảo sát, xây dựng. Nếu sau này UBND TP thẩm định được thì sẽ phê duyệt. Thực tế, thành phố chưa chi trả một đồng nào. Đến khi họ bị bắt thì họ rút khỏi dự án này.

Bị cáo khẳng định không phải nhìn vào Bùi Quang Huy mà nhìn vào đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhật Cường Software. Thời điểm đó, ngay cả chuyên gia của Viettel, FPT phải thừa nhận đội ngũ kỹ sư của Nhật Cường Software khi họ tự viết phần mềm bán lẻ chuyên nghiệp.

Bị cáo Chung nói không thể lấy việc chỉ đạo đúng pháp luật trên là nhân quả của việc Nhật Cường trúng thầu gói thầu số hoá năm 2016 được.

Với hợp đồng giữa Công ty Nhật Cường và Công ty Minh Hoa (do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ bị cáo Chung làm giám đốc được xác định là hợp đồng khống để Nhật Cường đưa vào hồ sơ dự thầu), bị cáo Chung cho biết, ông không biết việc trên.

“Bị cáo có suy nghĩ, vợ mình là một cá nhân độc lập. Đúng là hai vợ chồng nhưng là một cá nhân độc lập, hoạt động kinh doanh độc lập, một người chịu trách nhiệm trước pháp luật độc lập.

Nếu bắt được Bùi Quang Huy và Huy khai, làm rõ được động cơ mục đích thì vợ bị cáo cũng bị xử lý trước pháp luật. Không thể nào vợ làm, chồng chịu.

Đề nghị đại diện VKS rút cáo buộc liên quan đến việc này vì nó phi lý", bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày.

Trình bày tại tòa, đại diện Công ty Đông Kinh (đơn vị liên danh với Công ty Nhật Cường) có mong muốn được tiếp tục phần hiệu đính hồ sơ miễn phí nhằm khắc phục thiếu sót của dự án.

Theo cáo trạng, gói thầu gồm 2 phần là số hóa và đính tài liệu. Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị cáo làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Tin bài liên quan