Ứng dụng Mega1 giúp đem lại cho người dùng cuối (users) những lợi ích thông qua các chương trình quà tặng, giải thưởng khuyến mại của nhà sản xuất thực hiện trên ứng dụng.
Đối tác đầu tiên của Mega1 là Tân Hiệp Phát với chương trình quay số trúng thưởng với tổng giá trị lên đến 69 tỷ đồng. Người mua sản phẩm của Tân Hiệp Phát sẽ bóc nhãn chai nước để có mã số nhập vào Mega1, quay số trúng thưởng.
“Sau 6 ngày chạy chương trình thì Mega1 ảnh hưởng đến 10% doanh số của Tân Hiệp Phát. Một ngày có 20.000 giải thưởng được phát ra. Chúng tôi kỳ vọng, code sản phẩm Tân Hiệp Phát nhập vào hệ thống Mega1 sẽ lên tới cả tỷ. Một đối tác khác là Đại Việt với sản phẩm máy làm mát mới chạy chương trình nhưng doanh số cũng rất khả quan. Yeah 1 sẽ tích hợp hệ sinh thái hiện hữu, chuyển hàng chục triệu users từ YouTube, Facebook, AppNews… sang Mega1”, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị YEG nói.
Sau cú sốc YouTube dừng thoả thuận hợp tác nội dung với YEG, chiến lược phát triển mà doanh nghiệp đã xây dựng trước đó dựa vào nền tảng YouTube để phân phối nội dung đi toàn thế giới coi như phá sản.
Bài học YEG rút ra là phải “xây nhà trên đất của mình” và Mega1 là nền tảng mà doanh nghiệp tự xây. Với Mega1, YEG giải quyết bài toán của thị trường nội địa là kết nối nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng.
“Chúng tôi chọn Tân Hiệp Phát là đối tác chiến lược vì tiêu thụ sản phẩm của Tân Hiệp Phát đủ lớn để mở đầu cho Mega1, từ đó tạo ra cú huých thu hút các đối tác khác tham gia”, ông Tống chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. Mega1 kỳ vọng giúp Tân Hiệp Phát tăng 50% doanh thu. Sắp tới, Mega1 dự kiến có thêm khoảng 10 đối tác khác tham gia chương trình.
Dù hoạt động trên nền tảng số, nhưng YEG cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19. Số người dùng trên các nền tảng tăng, nhưng do các doanh nghiệp gặp khó khăn nên doanh số quảng cáo của YEG giảm.
Một đối tác Hàn Quốc dự định chuyển giao nền tảng dành cho người có ảnh hưởng (KOL), hay dự định của YEG hợp tác phát hành game với đối tác Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng do các nhân sự nghỉ chống dịch.
Điểm tích cực là sau cú sốc YouTube, YEG buộc phải hoạch định lại chiến lược, tái cơ cấu và tìm đối tác chiến lược từ 6 tháng trước, nên khi dịch Covid-19 diễn ra, Công ty đã bước vào giai đoạn khởi động, triển khai các kế hoạch kinh doanh mới, trong khi đa số doanh nghiệp khác lo tái cơ cấu.
YEG đã phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới nhằm đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, tránh phụ thuộc vào một vài đối tác lớn.
Năm ngoái, Công ty đã mua lại 35% cổ phần Công ty cổ phần Công nghệ tự động Kolorlife chuyên về phát triển nền tảng ứng dụng cho người dùng; mua lại 30% cổ phần Công ty cổ phần Giải trí 100D chuyên về phát triển trò chơi điện tử tại thị trường Việt Nam.
Công ty cũng đã hoàn tất thương vụ mua 50% cổ phần Công ty cổ phần Truyền thông Công nghệ Truyền thông số 1, phát triển nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết cho các doanh nghiệp.
Trong quý III/2019, YEG đã phát hành thử nghiệm 1 trò chơi và trong năm 2020 dự kiến sẽ ra mắt khoảng 10 trò chơi.
Sau khoản lỗ hơn 380 tỷ đồng, trong đó có 270 tỷ đồng lỗ do trích lập dự phòng khoản phải thu từ bán cổ phần ScaleLab, YEG đặt mục tiêu lãi 125 tỷ đồng trong năm 2020, cao hơn con số lỗ từ hoạt động kinh doanh năm ngoái.
Quý I đầu năm, hoạt động kinh doanh riêng của YEG lỗ 10,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 43,2 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất là 5,5 tỷ đồng.