Ba giải thưởng du lịch Hà Nội được vinh danh gồm: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia's Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination).
Đây là giải thưởng nằm trong hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới khu vực châu Á và châu Đại dương lần thứ 31 vừa được tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines.
Tại buổi gặp mặt, ông Graham Cooke đánh giá cao các tiềm năng, lợi thế du lịch của Hà Nội, trong đó nhấn mạnh vào việc Hà Nội có tiềm năng văn hóa, di sản phong phú, hấp dẫn. Việc Hà Nội liên tiếp đạt các giải thưởng thêm khẳng định Thủ đô Hà Nội là điểm đến chất lượng với các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo.
Chủ tịch Giải thưởng Du lịch thế giới cũng đề nghị Hà Nội nên phát huy những lợi thế về di sản, văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch. Đồng thời, Hà Nội cần đưa công nghệ số, AI trong các hoạt động quảng bá, xây dựng sản phẩm. Ngoài sử dụng các trang điện tử, Hà Nội có thể đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram... để du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam.
Ông Graham Cooke nhắn nhủ, TP. Hà Nội hãy luôn giữ gìn bản sắc, vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cùng nhau phát triển du lịch bền vững. |
“Hãy luôn giữ gìn bản sắc, vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cùng nhau phát triển du lịch bền vững”, ông Graham Cooke nhấn mạnh.
Tại buổi tiếp nhận Cúp và chứng nhận ba giải thưởng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc nhận các giải thưởng du lịch thế giới là cơ hội để Hà Nội đẩy mạnh quảng bá du lịch tới các thị trường khách trong nước và quốc tế.
Thông tin về việc ngành du lịch Hà Nội nỗ lực khai thác tiềm năng thế mạnh qua đó thu hút khách quốc tế, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho hay: Thời gian qua ngành du lịch Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố bằng 5 ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức truyền thông và các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok… Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đền Quán Thánh…
Để khai thác tiềm năng du lịch Hà Nội thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống. Đồng thời, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình 4 du lịch văn hóa, làng nghề du lịch nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên phát triển 2 - 3 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Cụ thể tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu…