Chủ tịch Viettel Global: Viettel muốn trở thành "sếu đầu đàn" đầu tư ra nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hải Lý, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (VTG) về đầu tư ra nước ngoài của Viettel.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VTG) Nguyễn Thị Hải Lý là một trong những người đầu tiên đem Viettel đến với thế giới.

Nhìn lại 16 năm lĩnh trọng trách vươn ra thế giới, 16 năm làm người mở đường với tâm thế dấn thân của VTG, bà Hải Lý khẳng định người Viettel ở nước ngoài ngày càng bản lĩnh, tự tin và trưởng thành, sẵn sàng đảm đương những nhiệm vụ rất khó.

- 16 năm qua là hành trình lớn mạnh không ngừng trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel. Nếu bây giờ, nói về thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực này, bà đánh giá đó là kết quả nào?

- Tôi cho rằng, kết quả nổi bật nhất có thể nhìn thấy ngay là đã có 7/10 công ty đứng ở top 2 trên thị trường, trong đó có tới 5 thị trường ở vị trí số 1.

Khi mới đi đầu tư nước ngoài, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đặt ra mình phải đứng ở vị trí số 1 hoặc ít nhất trong top 2 sau 3 năm kinh doanh, những người làm trực tiếp cũng khá lo lắng, thậm chí là hoài nghi. Vì ra nước ngoài, mình cạnh tranh với những công ty lớn, có kinh nghiệm đầu tư nước ngoài trước mình hàng chục năm.

Nhưng nhiều công ty vươn lên vị trí số 1 sau thời gian ngắn, hoặc ở những nơi cạnh tranh gay gắt với nhiều công ty lớn và chính trị bất ổn…, khẳng định sự phát triển vững chắc của các công ty thị trường. Mình tự tin vào sức của mình chứ không phải may mắn.

- Bà có thể chia sẻ lý do tại sao khi mới đi đầu tư nước ngoài, có những người Viettel lo lắng hoang mang về mục tiêu mà lãnh đạo Tập đoàn đưa ra về việc phải vươn lên vị trí số 1, 2 trên thị trường?

- Tôi có những kỷ niệm cá nhân không bao giờ quên. Tháng 2/2006, lần đầu tiên đi thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của Tập đoàn, trên cương vị là Trưởng phòng Đầu tư của Tổng Công ty Viễn thông Quân Đội. Tôi đi cùng anh Quang (giờ là Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn). Lần đó, khi đến cửa khẩu Tây Ninh đã gần 6 giờ tối. Chúng tôi đợi mãi mà không thấy ai tới đón.

Cô bán nước ở cửa khẩu ngạc nhiên vì thấy hai anh em “dám” đi về Phnôm Pênh buổi tối. Hỏi ra mới hay, khu vực này đã từng xảy ra rất nhiều vụ án, cướp bóc. Gần 7 giờ tối, tôi và anh Quang mới được đón đi bởi chiếc xe do đích thân Đại tá Quân đội Campuchia cầm lái. Về đến khách sạn đã 11 rưỡi đêm, anh Quang dặn tôi phải giấu số tiền công tác - là số tiền công ty ứng cho để đi xúc tiến, chỉ cầm chút tiền lẻ để ăn tối. Sau đó, chúng tôi ra ngoài ăn mì tôm với trứng trần.

Những ngày sau, chúng tôi tìm gặp vài người Việt hỏi han tình hình, tìm hiểu các thủ tục thành lập công ty, cách thức đăng ký với nhà chức trách về thuế. Cùng với đó, tìm hiểu thông tin thị trường, hiện trạng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, chính sách, giá cả, thói quen tiêu dùng.

Các buổi tối, chúng tôi trao đổi với người địa phương để thuê văn phòng, tìm tư vấn để xin các loại giấy phép, hẹn các cuộc tiếp xúc để đàm phán, xin các loại giấy phép. Chủ yếu, chúng tôi thực hiện các báo cáo, soạn thảo các văn bản vào ban đêm, tại phòng khách sạn. Lượng mì tôm tiêu thụ thời gian đó cũng khá lớn.

Đấy, chúng tôi đã đi xúc tiến đầu tư như thế, trong khi, các công ty viễn thông toàn cầu đi đầu tư cử các chuyên gia, đến thị trường ở khách sạn 5 sao, làm việc bài bản, đã có sẵn quy trình, form mẫu, chuyên nghiệp đến từng giờ….

Nên, bây giờ, thấy vị thế của các công ty thị trường của Viettel thấy thực sự khâm phục tầm nhìn của lãnh đạo Viettel, ý chí của những người Viettel ra nước ngoài công tác.

- Về những người Viettel tham gia trực tiếp hành trình mang Viettel đến với thế giới, bà có thể nói gì về họ?

- Người Viettel có văn hóa Viettel, có bộ gen Viettel: có khát vọng lớn, có ý chí, bản lĩnh người lính, càng khó khăn, thách thức càng vươn lên mạnh mẽ.

Người Viettel yêu Viettel khi làm ở Viettel. Và khi ra nước ngoài, tình yêu ấy lớn hơn thành tình yêu đất nước, yêu dân tộc.

Hồi chúng tôi mới sang Mozabique, không ai biết Việt Nam, nhưng sau 2 năm, người Mozambique nào cũng biết đến Việt Nam. Họ thường nói Việt Nam- Movitel, hoặc ngược lại.

Đến nay, các nguyên thủ Việt Nam, các đoàn công tác sang các thị trường có sự đầu tư của Viettel đều thấy được sự hiện diện của Việt Nam, đều được nhận lời cảm ơn từ nước sở tại về những đóng góp của Viettel trong sự phát triển đất nước nên rất xúc động và tự hào.

Những ngày đầu, vừa bước ra nước ngoài, chúng ta đã phải chiến đấu, cạnh tranh với đối thủ rất lớn. Chúng ta thua kém về mặt ngôn ngữ, văn hoá bản địa. Người Viettel dù đi với tinh thần rất tự nguyện, giàu khát vọng, xông pha nhưng nhưng vẫn có cảm giác lo âu.

Người Viettel ở các công ty đầu tư ra nước ngoài đã rất khác. Chúng tôi rất tự tin, không còn e ngại trước bất kỳ chính sách, chiến dịch giành thị trường của đối thủ, tự tin đủ sức chiến đấu với các công ty bề dày kinh nghiệm gấp nhiều lần mình để giữ vững vị thế của mình.

Giờ thì người Viettel tự tin đi cạnh tranh với các công ty tại thị trường, có khi kinh nghiệm của họ gấp 10 lần mình, có quy mô toàn cầu, đã đầu tư ở thị trường đó rất lâu.

Rồi trước những thời khắc khó khăn do chính biến, thiên tai, người Viettel cũng không hoang mang mà trái lại, nhìn thấy cơ hội kinh doanh để phát triển thuê bao, vươn lên vị thế số 1, để tiếp tục sản xuất kinh doanh khi mà đối thủ đầu hàng, bỏ chạy.

Chính sự độc lập, bảnh lĩnh, tự tin và trưởng thành ấy của người Viettel ở các thị trường đã trở thành tài sản vô cùng giá trị của Viettel, là nguồn lãnh đạo dẫn dắt Viettel trong thời gian tới.

- Ngoài sự trưởng thành của người Viettel, bà có thể chia sẻ những thay đổi của VTG trong thời gian qua?

- Các công ty không chỉ đứng top đầu về thị phần ở các thị trường, kết quả kinh doanh đã có chuyển biến rất mạnh mẽ. Trong 02 năm gần mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng các thị trường đều tăng trưởng 2 con số. Dòng tiền về 5 năm gần đây đều ổn định và tăng, thậm chí còn vượt mục tiêu của năm.

Ngoài các dịch vụ truyền thống như thoại và data, các thị trường đã triển khai được nhiều dịch vụ mới ví điện tử, sàn thương mại điện tử, xổ số điện tử… góp phần quan trọng để các công ty đạt được tăng trưởng cao trong các năm qua và trong thời gian tới.

Về chiến lược kinh doanh. Các năm trước, VTG tập trung vào mở rộng thị trường, vùng phủ, phát triển mạnh lưới tăng nhân sự. Thời gian gần đây VTG tập trung vào kinh doanh hiệu quả tại các thị trường hiện có. Tìm các giải pháp để phát triển thuê bao tiêu dùng cao, phát triển các dịch vụ mới, và tối ưu chi phí để mang lại lợi nhuận tốt nhất.

- Để đạt được những kết quả đó, theo bà, có những nguyên nhân nào?

- Đầu tiên, vẫn là yếu tố con người.

Tiếp đó là sự thích ứng linh hoạt. Như trong đại dịch hơn 2 năm qua, các công ty ở thị trường nước ngoài còn chủ động, sáng tạo, phản ứng nhanh hơn, trong khi trước kia chủ yếu copy sản phẩm, dịch vụ từ trong nước.

Cũng phải nói rằng, một trong những lý do nữa là bộ máy tổ chức của các công ty tại thị trường nước ngoài của Viettel đều có sự thay đổi theo xu hướng linh hoạt, gọn nhẹ, dần tiệm cận với cách tổ chức hiện đại của các công ty lớn toàn cầu. Các công ty thị trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tối ưu bộ máy, nhân sự, giảm nhân sự người Việt, trao quyền nhiều hơn cho người bản địa, thậm chí có những thị trường đã thuê người nước ngoài vào các vị trí chủ chốt.

- Nhìn lại 16 năm phát triển của VTG, nếu tổng kết lại các bài học đáng nhớ giúp VTG vượt khó khăn, tăng trưởng cao, hiệu quả tốt thì đó là gì?

- Bài học rút ra từ những thành công này, tôi cho rằng đó văn hoá Viettel, con người Viettel và niềm tin với Chính phủ quốc gia sở tại.

Bài học về văn hóa, con người Viettel. Người Viettel luôn có khát vọng cao, rất sáng tạo, năng động. Người Viettel mang trong mình tinh thần, bản lĩnh của người lính, không ngại khó khăn, gian khổ, càng khó khăn trí tuệ và sức mạnh của người Viettel càng được thể hiện và khẳng định.

Tình yêu với Viettel, tình yêu đất nước, tự hào dân tộc đã tạo sức mạnh cho người Viettel ở nước ngòai sẵn sàng hy sinh, bất chấp khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, tạo lên thành tựu, thương hiệu công ty, thương hiệu Viettel và thương hiệu Việt Nam.

Văn hóa Viettel cũng coi khó khăn, thách thức chính là cơ hội. Ví dụ, khi đại dịch Covid xảy ra các công ty đều bị ảnh hưởng, thiệt hại thì Viettel lại biến đó thành cơ hội phát triển và kết quả là tất cả các công ty đều tăng trưởng 02 con số; khi chính biến xảy ra ở Myanmar, các công ty nước ngoài tìm cách thoái vốn thì Viettel lại biến đây là cơ hội để mở rộng thị trường và kết quả Viettel Myanmar đã trở thành vị trí số 1.

Bài học về tạo được niềm tin với Chính phủ nước sở tại. Sau một thời gian kinh doanh , Viettel đã chứng minh được với Chính phủ các nước rằng Viettel là nhà đầu tư tử tế, không phải chỉ vì mục đích duy nhất tối đa hóa lợi nhuận mà còn có trách nhiệm với đất nước, con người nơi Viettel đầu tư. Do vậy, khi đại dịch covid xảy ra Viettel nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Chính phủ và Viettel đã có được nhiều cơ hội cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho chính phủ và bộ ban ngành, đóng góp không nhỏ cho thành công của Viettel trong thời gian khó khăn nhất của dịch bệnh.

- Với tốc độ phát triển và triển vọng thị trường như hiện nay, mục tiêu chiến lược của Viettel trong 4 năm tới khi kỷ niệm 20 năm thành lập sẽ là gì?

- Mục tiêu trước tiên là phát triển bền vững, thể hiện ở việc các công ty vươn lên và giữ vững vị thế số 1, số 2 ở tất cả các thị trường. Các công ty cố gắng, phấn đấu duy trì tăng trưởng ở 2 con số.

Tiếp đó là hoàn thành các mục tiêu tài chính, tối đa hoá dòng tiền về nước.

Cuối cùng, chúng tôi đặt mục tiêu đưa VTG trở thành sếu đầu đàn trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.

- Tuyên ngôn thương hiệu của Viettel là Cộng hưởng, Viettel cũng thấm nhuần một câu ngạn ngữ Châu Phi “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, chặng đường dài tiếp theo, VTG sẽ mong muốn đi cùng ai?

- Việt Nam muốn hùng mạnh thì phải chinh phục thế giới. VTG đang là ngọn cờ đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường chinh phục thế giới. Nhiều người Việt Nam đang tự hào dõi theo VTG, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang được khích lệ bởi VTG.

Tập đoàn có phát triển tiếp hay không cũng phụ thuộc vào sự phát triển của VTG, phụ thuộc vào công cuộc đi ra thế giới của VTG, bởi vì trong một thế giới toàn cầu hóa như hôm nay, một doanh nghiệp sẽ không có tương lai nếu không đi ra được thế giới rộng lớn. Vì vậy, VTG sẽ là hạt nhân để tạo ra cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.

VTG hiểu chính sách, môi trường đầu tư và có mối quan hệ tốt với Chính phủ nước sở tại nên có thể tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt nam. Đặc biệt do là nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin nên VTG có thể tạo ra hạ tầng cung cấp dịch vụ số.

Khi có Viettel, sự hiện diện của Việt Nam ở các nước này đã có, nhưng nếu có thêm các công ty mạnh khác cùng tạo ra cộng đồng thì chính Viettel hay ảnh hưởng của Việt Nam cũng lớn mạnh theo.

Để thực hiện được sứ mệnh đó, VTG đang nỗ lực hết sức mình, đồng thuận- đổi mới- tiên phong trên cuộc trường chinh làm cầu nối Việt Nam đến với thế giới.

- Cảm ơn bà vì cuộc trao đổi.

Tin bài liên quan