Việc triển khai hệ thống core banking mới là điểm mấu chốt để VietinBank bứt phá, đánh dấu giai đoạn phát triển mới

Việc triển khai hệ thống core banking mới là điểm mấu chốt để VietinBank bứt phá, đánh dấu giai đoạn phát triển mới

Chủ tịch VietinBank: Chuẩn bị đón cơ hội tăng tốc

(ĐTCK) Năm 2017 được nhận định là thời điểm mấu chốt để ngành ngân hàng có sự bứt phá, đánh dấu giai đoạn phát triển mới, sau khi đã giành được những kết quả tích cực ban đầu từ quá trình tái cấu trúc hệ thống. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, các ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn, chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc của mình.

2016 tiếp tục là một năm thành công với VietinBank, khi các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều ở mức tốt so với nhiều ngân hàng tại Việt Nam. Dường như cơ hội đang dành cho các ngân hàng do Nhà nước nắm vốn chi phối, thưa ông?

Nếu nói về cơ hội cho các ngân hàng, tôi muốn đề cập tới Đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bởi Đề án này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém, từng bước đưa hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện VietinBank đang hoàn thiện phương án tăng vốn tự có từ nguồn cổ tức hàng năm, bên cạnh việc cấu trúc lại vốn tự có.

Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có hệ thống ngân hàng, đã được Quốc hội thông qua, với một số nhiệm vụ quan trọng như tái cơ cấu căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả vững chắc; xử lý dứt điểm những yếu kém của hệ thống. Đây là cơ hội để ngành ngân hàng lành mạnh hóa hơn về thể chế, giảm các hoạt động phi ngân hàng.

Năm 2016 vừa qua, ngành ngân hàng đã phát huy vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, cung ứng vốn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng thời NHNN đã làm tốt vai trò dẫn dắt và điều tiết thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đóng góp vào thành công chung của ngành, VietinBank đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông đề ra.

Cụ thể: lợi nhuận đạt 8.250 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; tổng dư nợ tín dụng tăng 18%, đạt kế hoạch đề ra, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng 22,4%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống; thị phần hoạt động tăng ở tất cả các khu vực, phát triển mạnh mẽ ở phân khúc khách hàng doanh nhiệp vừa và nhỏ, bán lẻ, giữ vững vị trí số 1 về phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; tăng trưởng mạnh hoạt động kinh doanh gắn liền với đảm bảo hiệu quả, đẩy mạnh thu hồi xử lý nợ, kiểm soát chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Ông Nguyễn Văn Thắng 

Những kết quả trên đây so với mức chung của toàn ngành là khả quan, đáng ghi nhận, tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là lợi thế riêng có của các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Các ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và VietinBank nói riêng vẫn tiếp tục đối mặt với các thách thức, khó khăn. Đó là thách thức về tăng vốn, giảm nợ xấu, cải cách toàn diện mọi mặt hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực về công nghệ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa và hội nhập.

Cơ hội là dành cho tất cả các ngân hàng trong hệ thống, kết quả mà VietinBank đạt được là nhờ đã xác định chính xác các mục tiêu chiến lược và có biện pháp triển khai để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nhìn rộng ra hệ thống ngân hàng, theo ông, điều gì là điểm nhấn đáng chú ý nhất năm 2016 và đâu là vấn đề cần quan tâm năm 2017?

Tôi cho rằng, điểm đáng chú ý nhất trong năm 2016 là hiệu quả hoạt động được nâng cao và sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Điều này càng gây ấn tượng trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu tiếp tục diễn ra. Hiệu quả hoạt động được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó nổi bật nhất là khả năng sinh lời và công tác xử lý nợ xấu.

Cụ thể, khả năng sinh lời trong hệ thống có sự cải thiện rõ rệt trong năm 2016, khi lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống ước tăng tới 26,8% so với năm 2015, các chỉ tiêu ROA và ROE ước tính lần lượt đạt 0,54% và 7,87%, so với mức 0,46% và 6,43% của năm 2015.

Về nợ xấu, trong năm 2016, hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu, qua đó làm giảm tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống xuống 2,8%, so với mức 2,9% năm 2015. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực nội tại của các ngân hàng, không thể không kể đến những định hướng, chính sách hợp lý, đồng bộ, nhất quán từ Chính phủ và NHNN, qua đó góp phần ổn định các nhân tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất… tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng.

Trong năm 2017, theo tôi, có 4 yếu tố đáng quan tâm.

Thứ nhất, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD. Tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, khuyến khích sáp nhập, hợp nhất mua lại giữa TCTD hoạt động lành mạnh và TCTD yếu kém, cũng như sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình này.

Thứ hai, xử lý nợ xấu. Mặc dù trong năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%, tuy nhiên, tỷ lệ này giảm chủ yếu là do bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), trong khi việc xử lý nợ tại VAMC thời gian qua còn chậm, dự kiến còn nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, nhiệm vụ xử lý nợ xấu trong năm 2017 là khá nặng nề, nhất là trong bối cảnh tín dụng sẽ tiếp tục tăng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn theo chuẩn mực quốc tế, cũng như theo yêu cầu của Ủy ban Basel, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật trong mọi hoạt động.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện và phát triển hệ thống thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tầm nhìn của VietinBank là trở thành tập đoàn tài chính-ngân hàng hiện đại, đa năng,  có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á  

Sau giai đoạn tái cấu trúc thường là giai đoạn tăng tốc, VietinBank nhìn thấy cơ hội gì trong quá trình này?

Như đề cập ở trên, quá trình tái cấu trúc sẽ tạo điều kiện cho thị trường tài chính được minh bạch, lành mạnh và ổn định hơn, hành lang pháp lý được cải thiện, niềm tin của nhân dân, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng được nâng cao, điều này sẽ hỗ trợ rất lớn cho VietinBank trong việc đẩy mạnh và triển khai hiệu quả các hoạt động kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, quá trình này cũng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của VietinBank nói riêng và của toàn hệ thống nói chung, qua đó không những giúp giữ vững và tăng trưởng được thị phần trong nước, mà còn là cơ sở để tiếp cận thị trường thế giới.

VietinBank cũng nhận thấy, đây là cơ hội lớn trong việc hiện đại hóa ngân hàng, chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc của mình. Bên cạnh tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng có sức khỏe tốt cũng cần tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với nhận định đó, trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, VietinBank cũng tự đặt ra mục tiêu tái cấu trúc cho riêng mình theo hướng hiện đại hóa 6 lĩnh vực chính, đó là: nguồn lực tài chính, mô hình hoạt động, hệ thống quản trị điều hành, mạng lưới, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực.

Việc đổi mới này sẽ đảm bảo cho quá trình lớn mạnh của VietinBank tại thị trường trong nước cũng như quốc tế, mở ra cơ hội cho VietinBank trong việc thực hiện tốt chiến lược phát triển mạnh mẽ của mình.

Đặc biệt, trong năm tới, VietinBank là ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên chính thức triển khai hệ thống core banking mới, qua đó vận dụng công nghệ để đẩy mạnh bán chéo, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng năng suất lao động, tăng cường an ninh thông tin và an toàn dịch vụ khách hàng. Đây sẽ là điểm mấu chốt để VietinBank bứt phá, đánh dấu giai đoạn phát triển mới.

Về tầm nhìn khu vực và quốc tế, vẫn là một câu hỏi cũ, qua năm 2016, VietinBank đã thấy mình tiến gần hơn với tầm một ngân hàng khu vực hay chưa, thưa ông?

VietinBank vẫn kiên định mục tiêu trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản, vốn tự có và nguồn lực ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực, tạo cơ sở để cạnh tranh và tăng cường hội nhập trên thị trường quốc tế.

Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động kinh doanh của VietinBank có nhiều chuyển biến tích cực, với hiệu quả và quy mô hoạt động được giữ vững. Thị phần hoạt động tăng ở tất cả các khu vực. Tăng trưởng hoạt động kinh doanh gắn liền với đảm bảo hiệu quả, đẩy mạnh thu hồi xử lý nợ, kiểm soát chất lượng tín dụng.

VietinBank được xếp hạng tín nhiệm cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam do Standard and Poor’s và Moody's thực hiện. Các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín khác như Fitch Ratings, Capital Intelligence… cũng luôn có đánh giá tích cực và duy trì xếp hạng tín nhiệm của VietinBank ngang bằng mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Giá trị thương hiệu VietinBank tăng mạnh nhất trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, nằm trong Top 400 thương hiệu giá trị nhất thế giới theo định giá của Brand Finance (Anh). Giá trị thương hiệu VietinBank nhảy vọt từ 197 triệu USD lên 249 triệu USD, xếp hạng hạng A+, tăng 58 bậc lên vị trí 379 năm 2016.

VietinBank là ngân hàng duy nhất nằm trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam và là ngân hàng số 1 trong bảng xếp hạng “100 Ngân hàng lớn nhất khu vực ASEAN” của The Banker và lần thứ 5 liên tiếp trong Top 2000 Doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Tạp chí Forbes (Mỹ).

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một thách thức lớn đặt ra, đó là tiềm lực tài chính, cụ thể là vấn đề về vốn tự có. Với việc áp dụng Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN mới ban hành ngày 30/12/2016, việc tăng tổng tài sản kèm theo áp lực lớn hơn về tăng vốn tự có.

Về việc tăng vốn đáp ứng giới hạn CAR theo Basel II, VietinBank đã có kế hoạch kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ theo lộ trình yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, để có thể tăng nhanh quy mô tài sản, sánh ngang với các ngân hàng trong khu vực, thì vốn tự có cũng phải tăng mạnh tương xứng.

Trong các năm qua, để phục vụ tăng trưởng hoạt động kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp như tái cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro, cơ cấu danh mục đầu tư góp vốn cổ phần, phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng có giới hạn do bị ràng buộc bởi giới hạn vốn cấp 2 so với vốn cấp 1, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước.

Trong khi đó, yêu cầu tăng trưởng huy động vốn cho vay và phát triển dịch vụ ngân hàng phục vụ nền kinh tế là rất lớn, đồng thời còn phải triển khai Basel II theo lộ trình và thực hiện các cam kết với đối tác quốc tế. Vì vậy, tăng vốn là yêu cầu rất cấp bách của VietinBank, nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của VietinBank nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Hiện VietinBank đang hoàn thiện phương án tăng vốn tự có từ nguồn cổ tức hàng năm, bên cạnh việc cấu trúc lại vốn tự có. Vì vậy, kiến nghị NHNN, Bộ Tài chính và Chính phủ sớm thông qua giải pháp tăng vốn cho VietinBank theo phương án trên.

Ngành ngân hàng thường được nhìn nhận ở góc độ nền kinh tế, tuy nhiên, ở quy mô nhỏ hơn là một tỉnh hoặc một khu vực, dường như ngành vẫn chưa có nhiều chương trình riêng để thúc đẩy kinh tế địa phương. Để thay đổi điều này, theo ông cần những giải pháp nào?

Trên cơ sở định hướng và hỗ trợ của Chính phủ, cũng như NHNN, trong những năm qua, ngành ngân hàng đã tăng cường triển khai các chương trình được thiết kế riêng cho các khu vực, ngành nghề để thúc đẩy kinh tế địa phương.

VietinBank luôn đóng vai trò đi đầu trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên cho các địa phương, thể hiện bằng việc có mạng lưới khắp các tỉnh thành, đáp ứng tối đa và kịp thời nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương, kinh tế vùng bền vững.

Chúng tôi đang triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng cho đa dạng vùng miền trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích, đưa dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh (các chương trình tín dụng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch rộ; chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ…).

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các khu vực, các đối tượng này tăng trưởng hàng năm. Bản thân VietinBank, theo định hướng và chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, cũng rất tích cực trong việc triển khai các chương trình này.

Mặc dù có sự cải thiện, nhưng trên thực tế, kết quả triển khai vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có. Do đó, để nâng cao hiệu quả của các chương trình này, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần phải có sự nỗ lực của tất cả các bên, bao gồm Chính phủ và NHNN, hệ thống ngân hàng thương mại và chính quyền địa phương.

Trước hết, Chính phủ và NHNN cần tiếp tục có những định hướng, ưu đãi riêng đối với các chương trình này, như hỗ trợ lãi suất, bảo hiểm rủi ro… nhằm khuyến khích ngành ngân hàng tham gia các chương trình tín dụng địa phương, cùng với đó là sự tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ban ngành trong công tác hỗ trợ triển khai.

Các ngân hàng nhà nước địa phương, với vai trò quản lý tại địa phương cần chủ động trong việc hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng thương mại địa phương, phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức kết nối doanh nghiệp địa phương với các ngân hàng, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp tích cực để hỗ trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp địa phương.

Thực hiện việc thông tin, tuyên truyền chính xác các thông điệp, quy định của pháp luật, chủ trương, chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ và NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh những chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối giữa các doanh nghiệp địa phương với hệ thống ngân hàng, đồng thời có thể có những ưu đãi riêng trong việc triển khai chương trình phát triển kinh tế khu vực của ngành ngân hàng, bên cạnh việc tích cực thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế, cũng như các ngân hàng thương mại địa phương.

Cuối cùng, các ngân hàng thương mại cần phải tích cực xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù vùng miền, khai thác được lợi thế, đặc thù của vùng miền tại địa phương, đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm chuỗi liên kết giúp thúc đẩy các doanh nghiệp bán hàng, hạn chế rủi ro.

Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, hỗ trợ tối đa khách hàng tiếp cận vốn trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Cải tiến, đổi mới các sản phẩm dich vụ ngân hàng, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các ngân hàng cần nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn phù hợp, hỗ trợ việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tăng cường phát triển kinh tế địa phương, cải thiện quy trình, tốc độ xử lý giao dịch. Việc nâng cao mức độ hiểu biết về sản phẩm và đặc tính từng nhóm đối tượng, khu vực là điều cần thiết, nhằm đảm bảo khả năng xâm nhập thị trường.

Tin bài liên quan