Chủ tịch VCCI: 'Doanh nghiệp tư nhân không đáng bị cô đơn'

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng chính sách hiện chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối doanh nghiệp trong nước với FDI, trong khi khối ngoại cũng chưa tích cực để tạo nên một hệ sinh thái cộng sinh trong nền kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp tư nhân cần sự yểm trợ về chính sách từ phía Chính phủ để cải cách, kết nối với khối doanh nghiệp FDI.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp tư nhân cần sự yểm trợ về chính sách từ phía Chính phủ để cải cách, kết nối với khối doanh nghiệp FDI.

Những nhận định nêu trên được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm VBF, khai mạc sáng nay (5/12).

Theo đồng Chủ tịch VBF 2016, ngoài số ít trường hợp có lực hạn chế, khó có thể phát triển thì phần lớn khối doanh nghiệp tư nhân "không đáng bị cô đơn". "Họ cô đơn do chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối với các doanh nghiệp FDI, và bản thân các doanh nghiệp FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với họ", ông Lộc nói.

Lâu nay trong khi các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn được coi là động lực phát triển thì doanh nghiệp trong nước vẫn èo uột. FDI được ông Lộc đánh giá vẫn là "ốc đảo" trong nền kinh tế, hiệu ứng lan toả không đáng kể, khó bền vững vì không thể bám rễ, không cộng sinh được.

Người đứng đầu VCCI cũng nhấn mạnh, hợp tác với doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được khối FDI coi như trách nhiệm xã hội đối với nơi mà họ đến đầu tư, bởi có được đối tác mạnh thì cũng họ cũng có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Chủ tịch VCCI: 'Doanh nghiệp tư nhân không đáng bị cô đơn' ảnh 1

Diễn đàn VFB 2015. 

Trong bối cảnh như vậy, VBF năm nay được đại diện cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là nơi đối thoại với Chính phủ, mà còn thiết lập quan hệ, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị trong nước và nước ngoài.

Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu ba yếu tố để thúc đẩy liên kết là vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài và nội địa. “Chính phủ phải hỗ trợ, cung cấp những chế tài để cải thiện môi trường kinh doanh, như thuế, hải quan... tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài có thể mua được nhiều sản phẩm, phụ tùng linh kiện của doanh nghiệp trong nước”, ông Ha phân tích.

Đồng tình với các yếu tố mà Chủ tịch Korcham đưa ra, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận sự kết nối này như thế kiềng ba chân. “Nếu phân vai thì Nhà nước có vai trò yểm trợ về luật pháp, chính sách. Còn các doanh nghiệp FDI là trung tâm và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước phải là vệ tinh”.

"Họ cô đơn do chính sách chưa thực sự đóng vai trò yểm trợ để kết nối với các doanh nghiệp FDI, và bản thân các doanh nghiệp FDI cũng chưa thực sự tích cực kết nối với họ"

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

“Đây là điệu nhảy của ba người nên cần sự đồng điệu. Chính sách của Chính phủ phải đóng vai trò yểm trợ để doanh nghiệp tư nhân kết nối với khối FDI”, ông Lộc nói trong buổi họp trước thềm VBF.

Đơn cử một số lĩnh vực tiềm năng vô tận của Việt Nam là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, ông Lộc cho rằng, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp trong nước. "Và sự hợp tác để tạo nên chuỗi là khả thi nếu có sự yểm trợ của Nhà nước”, vị đồng Chủ tịch VBF 2016 nhấn mạnh.

Nỗ lực nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua, theo ông Lộc, là có nhưng chưa đủ mức. Một biểu hiện rất rõ là cải cách doanh nghiệp Nhà nước chưa thực chất khi chưa làm thay đổi căn bản về quản trị. Điều đó cản trở doanh nghiệp tư nhân trong việc có cơ hội kinh danh bình đẳng và tiếp cận nguồn lực để phát triển.

Nhưng từ khi có Chính phủ mới, người đứng đầu VCCI nhìn nhận gần một năm nay, chưa bao giờ vai trò của khu vực tư nhân được nhấn mạnh như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin mới vào môi trường kinh doanh thể hiện thông qua việc 102.000 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm. 2016 cũng là năm đầu tiên Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. 

Năm tới, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam cùng những nỗ lực cải cách của Chính phủ, nhưng 2017 sẽ là một năm khó khăn. Do đó, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước chính là nỗ lực cải cách ở tầm đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế trong giai đoạn mới.

VBF - Diễn đàn Doanh nghiệp (Vietnam Business Forum), nhiều năm được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến như một sự kiện quan trọng, một kênh đối thoại có hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Kênh đối thoại quan trọng này được tổ chức định kỳ hàng năm. 

VBF 2016 khai mạc sáng nay (5/12) tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nướcn ngoài vì sự phát triển hài hoà của nền kinh tế Việt Nam”.

Tin bài liên quan