Sau khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường, số lượng lớn DN khác đang trầy trật “vượt bão”, để có thể trụ vững trước bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó tiếp sức cho doanh nghiệp “vượt bão” thành công, dần phục hồi trong giai đoạn tới.
Góp ý cho dự thảo, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm, tránh để biến thành “hậu buông”, gây ra những hậu quả không đáng có và là cái cớ để nhiều ý kiến muốn quay lại cơ chế tiền kiểm như trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Theo nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, các ngành, nghề, cấm kinh doanh được quy định tại dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành…
“Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm cấm kinh doanh trong dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…”, ông Đức đề nghị.
“Với những nội dung như dự thảo, thì nhiều ngành, lĩnh vực đặt ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh…”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, nói đồng thời cảnh báo, nếu quy định như dự thảo, thì Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục bị các luật chuyên ngành “gặm nhấm” khi đưa vào áp dụng.
Đại diện Ban soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 10 này như kế hoạch.