Chủ tịch VCCI: Chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
Khi mọi doanh nhân sử dụng giá trị đóng góp của doanh nghiệp với nền kinh tế, hạnh phúc của người lao động làm thước đo thành công, thì chúng ta sẽ có một cộng đồng doanh nhân tử tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 2020.

Hành trình doanh nhân Việt

Cuối tuần trước, 500 doanh nhân – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có một ngày để nhớ về nguồn cội. Họ đã đến Hoàng thành Thăng Long, thăm di tích Hồ Chủ tịch.

Bức thư Bác Hồ gửi giới Công thương cách đây tròn 75 năm được lật dở lại, cùng những hình ảnh của Tuần lễ Vàng năm 1945, cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chủ tịch với các nhà tư sản Hà Nội ngày 19/8/1945, ngay sau khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập.

Đặc biệt, các câu chuyện về cụ Trịnh Văn Bô, cụ Bạch Thái Bưởi, cụ Nguyễn Sơn Hà, cụ Ngô Tử Hạ... – những người đã đóng góp hàng ngàn lượng vàng cho ngân khố, giúp Chính phủ có tiền trong những ngày đầu được nhắc đến...

Thưa ông, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2020 thực sự đặc biệt. Cả nền kinh tế đang dồn sức vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp, doanh nhân cũng đang trong thời khắc khó khăn…

Khi cùng nhau bàn về các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi nghĩ, cần phải nhìn lại hành trình của doanh nhân Việt.

Chúng ta mới có 16 năm tôn vinh doanh nhân Việt, nhưng những người kinh doanh ở Việt Nam đã có một hành trình dài, đầy vinh quang, nhưng cũng thăng trầm, đầy máu và cả nước mắt.

Nhờ có Vua tàu thủy Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi, mới có danh tiếng đội tàu của người Việt lan khắp Đông Dương, lan từ Hồng Kông tới Singaore; nhờ có sơn dầu của cụ Nguyễn Sơn Hà mà các hãng sơn của người Pháp, người Hoa phải e dè, chùn bước…

Các cụ đã bắt đầu phá đi tâm lý vốn không trọng người buôn bán, trong xã hội trọng học hành, thi cử…

Điều quan trọng, họ đã khẳng định và lan tỏa khát vọng làm giàu và tính cách độc lập, tự chủ của dân tộc.

Nhiều văn bản có ghi lại câu nói của cụ Bạch khi bị các hãng tàu nước ngoài chèn lấn rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao, người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Trong vòng 6 năm, Tàu Bưởi đã bắt các đối thủ bỏ cuộc…

Họ là những doanh nhân dân tộc. Vài năm trở lại đây, giới doanh nhân cũng nhắc đến khái niệm này nhiều hơn?

Hàm ý đó là những người kinh doanh đặt lợi ích của dân tộc, của đất nước lên trên hết. Đó là lớp doanh nhân muốn gánh vác một phần trách nhiệm lớn của đất nước và cùng đất nước đứng trước những thử thách của thời đại.

Thực ra, đó là quy luật phát triển. Ở các nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới, dấu ấn của doanh nhân, doanh nghiệp lớn rất rõ nét.

Ở Việt Nam cũng vậy. Nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá về Việt Nam 30 năm đổi mới đã nhắc tới thành quả của một điển hình thoát nghèo vĩ đại của thế giới. Trong hành trình này, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt đóng vai trò chủ công.

Nghị quyết 10-NQ/TW về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng khẳng định, động lực của khu vực kinh tế của người dân.

Nhưng lịch sử có những khúc quanh. Phần lớn doanh nghiệp dân tộc trước 1945 đã dừng bước sớm và các thế hệ doanh nhân Việt Nam sau chỉ được hồi sinh khoảng 40 năm sau đó, khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986.

Tất nhiên, chặng đường này cũng gập ghềnh trước khi có được một thế hệ doanh nhân đặc biệt như hiện tại.

Song tôi tin, khi đọc bức thư mà Bác Hồ gửi giới Công thương vào ngày 13/10/1945, giới kinh doanh sẽ chia sẻ được phần nào.

Trong thư, Bác viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Tận tâm là từ trái tim tới trái tim. Có khẩu hiệu nào, cách tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp nào hay hơn câu Bác viết.

Những câu chữ từ tâm của người đứng đầu Chính phủ đã khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần muốn cống hiến, phụng sự của những doanh nhân dân tộc 75 năm trước và cả thế hệ doanh nhân hiện tại.

“Chúng ta đang có một thế hệ doanh nhân đặc biệt”. Nhận định này có thể hiểu thế nào, thưa ông?

Tôi nói vậy bởi các doanh nhân của Việt có trải nghiệm mà không phải ở nền kinh tế nào cũng có được.

Nhiều người ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, là nhân chứng của quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Họ mang trong mình trải nghiệm, phẩm chất mà ở nhiều nơi, phải mất nhiều thế kỷ mới đúc rút được.

Đó là tinh thần quyết liệt, khắc khổ, dũng cảm của người lính trong chiến tranh. Đó là sự trăn trở giữa mới và cũ, giữa lạc hậu, bảo thủ và đòi hỏi sáng tạo của thời Đổi mới.

Đó là những lấn cấn, chồng lấn cảm xúc giữa văn minh lúa nước, giữa văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông và kinh tế thị trường hiện đại...

Những trải nghiệm của cộng đồng doanh nhân Việt, cộng với những chuyển dịch của nền kinh tế trên con đường đi cùng với thế giới, sự đa dạng của văn hóa, phong phú của xã hội... đã hình thành nên giá trị khác biệt của doanh nhân Việt Nam.

Nếu phát huy hết, tôi tin, thế hệ doanh nhân hiện tại không chỉ có những đặc sắc riêng có, mà còn tạo nên sức cạnh tranh mới cho doanh nhân Việt, cho nền kinh tế.

Có thể thấy rõ ngay trong lúc này, khi dịch bệnh đang làm đứt gãy các chuỗi giá trị, kinh tế thế giới vẫn trong thế không thể dự báo, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố giữ vững, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới... dù họ không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Khi Tổ quốc gọi tên

Chỉ có hai câu hỏi được đặt ra trong Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam – Tổ quốc gọi tên mình do VCCI tổ chức ngày 9/10/2020. Một là, doanh nhân làm gì để đất nước hùng cường. Hai là, doanh nhân kiến nghị gì cho các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương và Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” diễn ra tại Hà Nội ngày 9/10 (Ảnh: QT/ Dangcongsan).

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương và Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” diễn ra tại Hà Nội ngày 9/10 (Ảnh: QT/ Dangcongsan).

Cách đây hơn 1 năm, nhiều người có mặt tại Diễn đàn này đã rất nhiệt tình tham gia vào Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Ông Lộc nói, có nhiều ý kiến, giải pháp có giá trị. “Tôi thấy chưa bao giờ, doanh nhân Việt lại thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững như bây giờ. Họ muốn có mặt trong hành trình đi đến hạnh phúc, thịnh vượng của đất nước”, ông Lộc chia sẻ.

Trong chùm hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam của VCCI, chủ đề Khi Tổ quốc gọi tên đã được duy trì mấy năm nay. Doanh nhân muốn gửi gắm thông điệp gì, thưa ông?

Khi các văn kiện của Đảng chính thức ghi nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, có thể hiểu, kinh tế tư nhân chính là kinh tế của toàn dân. Việc tham gia vào phát triển kinh tế là nghĩa vụ, cũng là khát vọng của doanh nhân.

Thế hệ doanh nhân hiện tại có sự khác biệt lớn hơn so với thế hệ đầu tiên, đó là họ chọn kinh doanh vì đam mê, vì muốn được khẳng định giá trị của mình.

Gần đây, khi tôi đọc các cuốn giới thiệu của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn, họ nói đến trái tim, đến con người, đến cộng sự, người lao động trước khi nói đến khách hàng, đến mục tiêu lợi nhuận... Các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng thay đổi, tìm cách kết nối với thị trường toàn cầu nhờ cá thể hóa sản phẩm, cá thể hóa khách hàng…

Doanh nghiệp đang dịch chuyển theo mô hình phát triển liên kết, bền vững, bao trùm, thuận thiên, gắn kết giữa công nghệ và truyền thống…, bám theo những định hướng, chiến lược phát triển của đất nước... Và họ cũng mong có môi trường thể chế thuận lợi để thực hiện nhanh các kế hoạch này.

Cuốn sách Việt Nam 2030 đã nhắc đến khát vọng nhanh chóng đạt được thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ của người Việt...

Tôi muốn nhắc tới một số đặc trưng cơ bản của khát vọng này. Đó là, có nền kinh thị trường do khu vực tư nhân dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh cao… Đó là, có một nhà nước pháp quyền, có cơ chế quản trị hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch… Đó là, một xã hội văn minh, hiện đại, trong đó người dân được phát huy sức sáng tạo, khơi dậy được ý chí, khát vọng phát triển…

Nhìn lại hành trình cải cách, đổi mới của Việt Nam, có thể thấy phần lớn bước ngoặt được gây dựng, khởi phát từ những ý tưởng, sáng kiến của người dân.

Lúc này cũng vậy. Trong đội ngũ doanh nhân tiên phong, hay có thể gọi là lớp doanh nhân tinh hoa của Việt Nam đang có nhiều ý tưởng táo bạo. Họ tận dụng xu thế phát triển của công nghệ, sự thay đổi của chuỗi giá trị… để bứt phá, tăng tốc.

Ngay trong lúc kinh tế thế giới đang khó khăn, nhiều nước trật khỏi quy trình, thì sự bứt phá của từng doanh nghiệp không chỉ gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế mà còn tạo nên sự năng động cho cả nền kinh tế.

Nhưng doanh nhân vẫn nhắc đến niềm tin kinh doanh bấp bênh?

Giới kinh doanh vẫn nói, ở Việt Nam, rủi ro của hội nhập không lớn bằng rủi ro ở trong nước. Chủ yếu do thể chế, chính sách chưa phù hợp.

Mặt khác, hình ảnh doanh nhân trong xã hội dù đã có thay đổi rất lớn, nhưng có vẻ vẫn chưa được nhìn nhận một cách khách quan. Xem phim, vẫn thấy doanh nhân mặt xấu nhiều hơn mặt tốt…

Giá như các câu chuyện về sự lăn lộn, vất vả của doanh nhân trên thương trường để xây dựng thương hiệu Việt, để có tiền trả lương công nhân được lên phim, thì dù có thất bại hay thành công, giới trẻ sẽ có cách nhìn cân bằng về doanh nhân.

Nhiều năm trước, tôi đã nói, muốn biết doanh nhân thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của công chức, của xã hội với doanh nhân.

Đây là lúc chúng tôi lại muốn nhắc đến cam kết tận tâm của Bác Hồ với giới công thương cách đây 75 năm. Nếu chính quyền tận tâm, doanh nhân sẽ tận lực, tôi tin chắc như vậy.

Tin bài liên quan