Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị khu vực thường niên “UOB Gateway to ASEAN” năm 2024 với chủ đề “ASEAN - Giao điểm hội nhập kinh tế thế giới” diễn ra tại TP.HCM ngày 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ nhiều tiềm năng tại Thành phố và khu vực Đông Nam Bộ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Sẵn sàng tạo điều kiện để thu hút FDI
Theo dự báo của các tổ chức như WB, IMF, tăng trưởng của Đông Nam Á và Việt Nam tiếp tục đạt ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Với những diễn biến về địa chính trị, cạnh tranh thương mại diễn ra, bức tranh thế giới rõ ràng là có nhiều điểm mà chúng ta hết sức quan tâm.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, một số vấn đề cần phải nhận diện, đó là việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng thời gian qua đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Việc thay đổi các hành vi, thói quen tiêu dùng thông qua thương mại điện tử, du lịch xanh gắn với điểm đến an toàn, thân thiện, gắn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang hình thành và phát triển.
Cũng theo ông Mãi, việc phát triển bền vững trở thành một xu hướng bao trùm của thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là mô hình phát triển của nhiều quốc gia. Đây vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Bên cạnh đó là tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh. Việc hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các thành phố lớn đang gia tăng với tốc độ rất cao. Có thể nói rằng, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đã tác động ngày càng sâu sắc đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam và TP.HCM. Nó vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Đứng trước xu thế hiện nay, TP.HCM với truyền thống năng động, sáng tạo, tư duy đột phá. Vì vậy, Thành phố luôn nỗ lực để bắt kịp các xu hướng của thế giới và khu vực, đồng thời tự tin để tiếp tục khẳng định vị trí là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ và sẽ tiếp tục là đầu tầu kinh tế và cực tăng trưởng của khu vực phía Nam.
"Với quyết tâm và phải khẳng định TP.HCM sẽ là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, TP.HCM luôn sẵn sàng hợp tác và tạo những điều kiện để các đối tác triển khai kinh doanh thành công tại TP.HCM, sẵn sàng chuẩn bị và kêu gọi các bạn đến đồng hành để cùng hợp tác, cùng có lợi", ông Mại nói.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, bản thân đặt một câu hỏi cho mình, rằng các đối tác đến với TP.HCM, đến với Đông Nam Bộ thì sẽ cần gì. Nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI sẽ quan tâm đến tiềm năng thị trường, môi trường đầu tư, mức độ gia nhập của TP.HCM, của Đông Nam Bộ vào các chuỗi cung ứng logistics, quan tâm đến nguồn nhân lực cũng như khả năng thích ứng với yêu cầu của thị trường và chắc còn nhiều câu hỏi khác đặt ra. Và ông cũng luôn đặt mình trong vị trí của các nhà đầu tư để trả lời các câu hỏi này.
TP.HCM đã đóng góp đến 16% GDP của cả nước và 26% ngân sách quốc gia. Đây là một khoản đóng góp rất lớn và nó phải xuất phát từ nội lực kinh tế của thành phố. Và nói rộng hơn vùng Đông Nam bộ này có đóng góp lớn, rất quan trọng cho GDP và ngân sách quốc gia. Đồng thời, TP.HCM được thừa hưởng một cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn mức mặt bằng thể chế của cả nước.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm tài chính quốc tế, đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghệ mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch, điện tử, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới…
Đồng thời, đây là các lĩnh vực mà TP.HCM có được những cơ chế, chính sách vượt trội hơn mặt bằng chung của cả nước dành cho các nhà đầu tư chiến lược.
TP.HCM có những lợi thế gì để thu hút nhà đầu tư?
Ngoài các yếu tố trên, Chủ tịch Phan Văn Mãi còn cho hay, TP.HCM có cơ chế đặc thù trong xây dựng đường vành đai, các tuyến cao tốc đồng bộ, hạ tầng giao thông liên kết vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm mở rộng không gian kinh tế và tạo lợi thế về vị trí địa lý, chiến lược về hạ tầng kinh tế, logistics, TP.HCM có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng giúp trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa ra các khu vực trong và ngoài nước.
TP.HCM cũng có cả 4 loại hình giao thông, đó là đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy. Về logistics, không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa.
Logistics đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế. Hiện TP.HCM đang khẩn trương hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông logistics nội bộ TP.HCM và kết nối với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Việc này sẽ hoàn thành cơ bản trước năm 2030.
Về hạ tầng công nghiệp, TP.HCM có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hiện tại, TP.HCM đang có đề án chuyển đổi các khu công nghiệp này theo hướng công nghệ cao và tích hợp công nghiệp dịch vụ để hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Thành phố cũng đang có kế hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp thế hệ mới phục vụ cho các nhà đầu tư. Về nguồn nhân lực, có thể nói TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng tương đối cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Hiện nay hơn 50% dân số của Việt Nam trong độ tuổi lao động.
Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam khoảng 105 triệu, trong đó có đến 58 triệu lao động. TP.HCM là nơi tập trung nhân lực có chuyên môn chất lượng cao với gần 5 triệu lao động và các vùng xung quanh như khu vực Đông Nam Bộ và một phần của Đồng bằng sông Cửu Long nguồn nhân lực rất dồi dào, về số lượng và chất lượng có thể so với các vùng khác thì là tương đối cao.
Về sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, Thành phố có gần 400.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 32% số lượng doanh nghiệp của cả nước, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp của tất cả các địa phương và có mối quan hệ quốc tế, với các hiệp hội cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng của ASEAN.
Về yếu tố quan trọng là thị trường, TP.HCM có dân số trên 10 triệu dân, có mức thu nhập và tương đối cao và thói quen chi tiêu cũng rất tốt, nhưng TP.HCM được đặt trong vùng Đông Nam bộ và có liên kết chặt chẽ với Đồng bằng sông Cửu Long, thì hai vùng này là dân số có đến gần 40 triệu dân.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, dân số hơn 4,8 tỷ người.
Hiện có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn TP.HCM, với hơn 13.000 dự án và tổng vốn đầu tư là gần 90 tỷ USD. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 2.000 dự án. Vì thế, Chủ tịch Phan Văn Mãi hy vọng TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung sẽ chào đón nhiều hơn nữa các nhà đầu tư