Đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối các quận của trung tâm TP.HCM (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối các quận của trung tâm TP.HCM (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Chúng ta thử đặt mình vào doanh nghiệp xem có chịu được không?

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sốt ruột về mức độ quyết liệt của các sở, ban, ngành trong quá trình giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Một năm trước, ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành, quận huyện về việc chủ động giải quyết nhiệm vụ được phân công, trong đó có những vấn đề liên quan đến vướng mắc khi đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp gửi văn bản xin ý kiến đến đơn vị này sau 15 ngày làm việc mà đơn vị đó không trả lời thì coi như đã đồng ý.

Sau đó, nếu có vụ việc gì xảy ra liên quan đến sở nào thì giám đốc sở đó phải chịu trách nhiệm.

Và ngày 12/5, tại cuộc họp với các sở, ban ngành về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục nhắc quan điểm nếu doanh nghiệp xin ý kiến quá 15 ngày không trả lời thì coi như đồng ý.

Người đứng đầu Thành phố tiếp tục sốt ruột về mức độ quyết liệt của các đơn vị trong tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp, bởi sự phát triển của cộng đồng này đóng góp lớn vào sự phát triển của Thành phố.

“Hàng tuần, tôi nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại bức xúc từ các doanh nghiệp. Không được để lặp lại trường hợp có hồ sơ hoàn chỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng đóng tiền sử dụng đất nhưng giấy tờ còn tồn đọng ở Sở Xây dựng”, ông Nguyễn Thành Phong nói và lý giải, dòng tiền mỗi ngày của doanh nghiệp cũng có một phần từ vay ngân hàng.

Sự chậm trễ của các cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng đến sự chống chịu lãi suất hàng ngày của doanh nghiệp.

“Ngày này kéo sang ngày kia thì làm sao chịu nổi. Chúng ta thử đặt mình vào doanh nghiệp xem có chịu được không?”, Chủ tịch UBND TP.HCM đặt vấn đề với lãnh đạo các Sở, ban ngành trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị thủ trưởng các đơn vị cần rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Đây là mục tiêu được UBND Thành phố xác định trong kế hoạch vừa ban hành cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Gần đây, TP.HCM lập một tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn của các dự án trên địa bàn do Phó chủ tịch Lê Hoà Bình phụ trách.

Sau buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với Thủ tướng Chính phủ vào ngày mai, Tổ công tác này sẽ hệ thống hoá lại tất cả các dự án đang gặp khó khăn về thủ tục và tập trung giải quyết theo từng từng lĩnh vực.

Cụ thể, để xử lý bất kỳ sự việc vướng mắc nào, Văn phòng Ủy ban phải gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị liên quan và tổng hợp trước khi đưa ra ý kiến của Văn phòng Ủy ban.

Trên cơ sở đó, các Phó chủ tịch điều hành thảo luận và kết luận.

Nhiệm vụ của Tổ công tác này sẽ kiểm tra lại tất cả các kết luận của các Phó chủ tịch về giải pháp đã triển khai hiệu quả ra sao, trong khoảng thời gian cụ thể như thế nào?,…

Đồng thời, sẽ có 3 đầu mối tiếp nhận các vướng mắc trong đầu tư kinh doanh, phân theo loại hình doanh nghiệp.

Cụ thể, các khó khăn, vướng mắc phiền hà của doanh nghiệp ngoài Nhà nước gửi đến Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố; doanh nghiệp nước ngoài thì gửi đến Tổ công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Sở Nội vụ; còn Văn phòng Ủy ban sẽ tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh từ doanh nghiệp Nhà nước.

“Những vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính mà phiền hà ở đơn vị nào thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, cần thiết cắt thi đua để doanh nghiệp vận hành.

Tôi lấy ví dụ như vậy để nói về mức độ chịu trách nhiệm, để các đơn vị quyết liệt hơn trong tạo môi trường đầu tư kinh doanh chứ không phải hở ra là cắt thi đua”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM lý giải và khẳng định, chỉ đạo xuyên suốt của Thành phố liên quan đến cải cách thủ tục hành chính vẫn là yếu tố thực thi.

Tin bài liên quan