Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường: Cần Thơ nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, đồng thời tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đến nay việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của TP. Cần Thơ đạt được ra sao, thưa ông?

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Thành phố. Ước sơ bộ trong tổng số 17 chỉ tiêu chủ yếu, có 8 chỉ tiêu vượt và đạt, 9 chỉ tiêu chưa đạt.

Ước năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Cần Thơ (GRDP) tăng 2,79% so năm 2020; GRDP bình quân đầu người 75,56 triệu đồng, tăng 5,05% so năm 2020; tổng vốn đầu tư trên địa bàn 29.500 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu được giao thực hiện 10.127,07 tỷ đồng, đạt 87,25% dự toán Trung ương giao và đạt 84,86% dự toán HĐND Thành phố giao...

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Vừa qua, TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Ông cho biết kế hoạch này tập trung vào các vấn đề trọng tâm nào?

UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND và Phương án số 01/PA-UBND ngày 16/9/2021 để tổ chức thực hiện, dần mở cửa trở lại, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh; Kế hoạch số 195/KH-UBND về quản lý, điều hành của Thành phố đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế… Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng, kết nối giao thương hàng hóa; đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong phục hồi, phát triển kinh tế, Cần Thơ tập trung vào các vấn đề trọng tâm, đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ Thành phố đến cơ sở theo hướng dẫn của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND Thành phố, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới.

Cho phép sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động khi bảo đảm các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch. Việc mở cửa được thực hiện theo lộ trình, tăng dần tỷ lệ. Từng bước phục hồi nền kinh tế, nối lại các chuỗi sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, đình trệ, đứt gãy; khơi thông dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu, tiến tới không lây lan dịch bệnh trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm với tinh thần không nóng vội, cũng không quá thận trọng, cứng nhắc, quá trình làm thì theo dõi, uốn nắn, sửa chữa.

Lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng xác định, từ nay đến cuối năm 2021, vừa làm, vừa theo dõi, uốn nắn, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo, trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch của ngành y tế, tiến tới khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ ngày 1/1/2022 trở đi, đánh giá các nội dung đã triển khai trong giai đoạn trước để rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ tiếp theo, tiến tới khôi phục hoàn toàn nền kinh tế.

TP. Cần Thơ đã đề ra biện pháp thích ứng an toàn với Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Bến Ninh Kiều, một địa điểm tham quan của Cần Thơ
TP. Cần Thơ đã đề ra biện pháp thích ứng an toàn với Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Bến Ninh Kiều, một địa điểm tham quan của Cần Thơ

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Về phía Thành phố sẽ thực thi những giải pháp hỗ trợ ra sao để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa ông?

UBND TP. Cần Thơ luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn coi trọng đóng góp của các doanh nghiệp trong sự phát triển chung của Thành phố. Trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, việc thực thi những giải pháp với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh là cần thiết, không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho người lao động, cũng như toàn bộ đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thành phố đã thực hiện một số công việc cụ thể như sau: Ban hành các văn bản về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn; thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn; thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Đặc biệt, UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp gỡ và đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, nhằm lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Triển khai các chính sách hỗ trợ do Trung ương ban hành như: Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lao động là người Cần Thơ về từ vùng dịch; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất; thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của Covid-19; các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi…

Bên cạnh đó, Thành phố quan tâm tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thi hành pháp luật, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong việc kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với các nền tảng kinh doanh, thương mại điện tử...

Cùng với việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động hiệu quả, thì việc huy động các nguồn lực đầu tư mới góp phần phục hồi, phát triển kinh tế địa phương cũng rất quan trọng. Ông có thể chia sẻ về các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư mà Cần Thơ sẽ thực hiện trong bối cảnh hiện nay cũng như sắp tới?

Trong thu hút đầu tư, Thành phố xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng và với các địa phương ở các vùng kinh tế trọng điểm còn lại; tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng. Có định hướng đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, thúc đẩy phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố tiếp tục rà soát hoàn chỉnh cơ chế hỗ trợ đầu tư đã được HĐND Thành phố ban hành tại Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018; dự kiến thực hiện điều chỉnh trong thời gian tới sau khi nghị định điều chỉnh Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 7/8/2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ được duyệt.

Bên cạnh đó, Thành phố đang kiến nghị Trung ương một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, Cần Thơ thực hiện một số giải pháp cụ thể để tiếp cận, nghiên cứu, mời gọi các tập đoàn doanh nghiệp, đối tác đầu tư nước ngoài có tiềm năng, lợi thế phù hợp với nhu cầu thế mạnh của Thành phố. Tập trung đẩy mạnh quan tâm nhu cầu phát triển đầu tư ra nước ngoài của các đối tác chiến lược đã được xác định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, New Zealand... Cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố, các danh mục dự án Thành phố đang kêu gọi đầu tư đến các Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán của các đối tác chiến lược nước ngoài.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, trong đó có đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh, mời gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao...

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh đồng hành cùng nhà đầu tư/doanh nghiệp của chính quyền Thành phố, xây dựng quảng bá, hình ảnh môi trường đầu tư của Cần Thơ. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Thành phố.

Tin bài liên quan