Thưa ông, yếu tố nào giúp du lịch Bình Định trở thành kinh tế mũi nhọn?
Cũng như nhiều địa phương duyên hải miền Trung khác, Bình Định sở hữu bờ biển dài cát trắng, hội tụ di tích văn hóa Chămpa đặc trưng, quy tụ nhiều sản phẩm mang tính đặc thù như võ cổ truyền, dân ca cổ truyền, lễ hội văn hóa truyền thống, kết hợp với điều kiện hạ tầng hỗ trợ tương đối hoàn thiện như cảng biển, sân bay…
Tuy vậy, du lịch Bình Định vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình, chưa có các dự ándu lịch tầm cỡ và quan trọng hơn, Bình Định vẫn chưa có những điểm vui chơi, giải trí tạo nên sản phẩm du lịch phụ trợ để thu hút du khách.
Chúng tôi lựa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều đó, Bình Định đã và đang từng bước hoàn thiện hơn nữa hạ tầng, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển du lịch, bảo trì và nâng cấp các điểm du lịch đặc trưng để thu hút du khách…
Hạ tầng du lịch là nhân tố quan trọng thu hút du khách, địa phương làm gì để nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch thưa ông?
Trong quy hoạch của tỉnh, với khu vực Cát Tiến, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Ghềnh Ráng,… chúng tôi đã và đang thu hút một số dự án du lịch lớn, song tiến độ triển khai đang gặp nhiều bất cập. Nguyên nhân khách quan vẫn là tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Đây là vấn đề chúng tôi rất chia sẻ với nhà đầu tư.Xét về mặt chủ quan, tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn nhất định trong vấn đề giải phóng mặt bằng, hệ thống hạ tầng hỗ trợ du lịch chưa được hoàn thiện, đặc biệt là tuyến đường ven biển chưa được nâng cấp.
Tuy nhiên, Bình Định cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển du lịch, tuyến đường ven biển đã có chủ trương của Chính phủ và sẽ được triển khai nâng cấp trong thời gian tới. UBND tỉnh đã quán triệt tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Thời điểm hiện tại, du lịch Bình Định cần gì nhất?
Nếu xét về điều kiện cần, thì Bình Định cần rất nhiều, chẳng hạn như nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng, bảo tồn, nâng cấp các điểm du lịch như Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế Tây Sơn; hoặc cần có những nhà đầu tư đầu tư mạnh vào lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ du lịch, tạo các điểm vui chơi, giải trí để thu hút và giữ du khách,… song điều mà tỉnh cần nhất hiện nay là phải có một dự án du lịch mang tính động lực, tạo nên thương hiệu riêng cho Bình Định.
Có như vậy, du lịch Bình Định mới có định hướng phát triển rõ ràng hơn, du khách biết đến nhiều hơn.
Vậy điều kiện cần đó đã có chưa, thưa ông?
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng thuộc Cảng hàng không Phù Cát.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, Cảng hàng không Phù Cát sẽ được đầu tư nâng cấp theo hướng sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế với 3 hạng mục chính: mở rộng sân đỗ, xây dựng mới nhà ga hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cấp đường băng.
Khi các hạng mục của dự án được hoàn thiện sẽ gắn với việc phát triển các dự án lớn công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tỉnh Bình Định.
Đặc biệt, Bình Định sẽ sớm làm các thủ tục chuyển Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, mà của cả nước.
Bên cạnh những dự án trọng điểm, chúng tôi cũng đang xúc tiến quy hoạch lại TP. Quy Nhơn, đầu tư cho những công trình hạ tầng quan trọng như Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ, hầm đường bộ nối TP. Quy Nhơn với khu Ghềnh Ráng - nơi đặt trung tâm nghiên cứu Vũ trụ,... Hy vọng, với định hướng này, trong tương lai không xa, Quy Nhơn sẽ trở thành thành phố du lịch lớn của cả nước.