Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu về khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước.
“Việc thành lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia đầu tiên tại Hà Nội sẽ là nơi quy tụ của các chuyên gia cũng như thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong cả nước. Bộ cam kết đồng hành với Hà Nội và các dự án khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới nhằm kết nối tri thức, chuyên gia người Việt đang ở ngoài nước nhằm quay lại đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.
Toàn cảnh diễn đàn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, với vị thế là Thủ đô của Việt Nam, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế và là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
“Cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục lớn mạnh trong những năm qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2019 đạt kỷ lục với hơn 88 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 30,5% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1992 đến nay, nâng tổng số doanh nghiệp của Hà Nội lên hơn 272 nghìn doanh nghiệp. Trên địa bàn Thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng tại Hà Nội”, ông Chung chia sẻ.
Ông Chung hy vọng, Diễn đàn không chỉ tìm ra hướng đi và giải pháp thích hợp để xử lý có hiệu quả, để giải quyết những vấn đề cấp bách cho Thành phố, mà còn là nơi kết nối, mang những người tiên phong và những startup tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam để các startup Việt có được những cái nhìn, trải nghiệm đa chiều trên con đường xây dựng Thủ đô và đất nước nói chung.
“Thành phố sẽ lắng nghe mọi ý kiến, sẽ tạo một môi trường hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các startup đến từ các quốc gia trên thế giới”, ông Chung cho biết.
Cũng tại diễn đàn, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, Việt Nam cần phải tạo ra một môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trong đó các chính sách phải tập trung tháo gỡ các khó khăn của những startup với tốc độ nhanh nhất, gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Kamran Elahian, nhà sáng lập quỹ đầu tư Global Catalyst cho rằng, Việt Nam cần tạo ra những quỹ có quy mô nhỏ nhằm tạo cơ hội cho các ý chuyển thành thực tế để phát triển môi trường khởi nghiệp.
Đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam khi đã có những bước đi vững chắc, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư châu Âu, tạo cơ hội lớn cho khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng Phó chủ tịch Eurocham Nguyễn Hải Minh cũng e ngại hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn mới.
“Nhiều dự án khởi nghiệp vẫn thiếu kinh nghiệm nhằm kết nối đến các quỹ đầu tư. Việt Nam cần có mạng lưới nhà đầu tư mới nhằm hỗ trợ tích cực hơn. Chính phủ Việt Nam cần có những hoạt động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi hơn để các startup kết nối trực tiếp với nhà đầu tư bên cạnh việc đẩy mạnh khuyến khích thuế cho đầu tư startup”, ông Minh đề xuất.