Cùng với việc tiếp tục coi trọng nâng hạng thị trường, trong năm 2016, UBCK sẽ nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch.

Cùng với việc tiếp tục coi trọng nâng hạng thị trường, trong năm 2016, UBCK sẽ nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch.

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng: Giữ thị trường chứng khoán ổn định trong năm 2016

(ĐTCK) “Mục tiêu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đặt ra cho năm 2016 là tiếp tục giữ TTCK ổn định trước nhiều yếu tố được dự báo sẽ có tác động bất lợi lên thị trường”, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng chia sẻ. 

TTCK Việt Nam năm 2015 trải qua không ít thăng trầm. Xin ông chia sẻ cảm nhận của mình trên cương vị là người điều hành cao nhất của UBCK?

Đầu năm 2015, những tưởng đây là một năm thuận lợi, bởi tình hình kinh tế cuối năm 2014 diễn biến tốt, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kinh tế thế giới có triển vọng thuận lợi hơn. Thế nhưng, thực tế năm 2015 rất khó khăn. Các TTCK trên thế giới sụt giảm nhiều hơn tăng trưởng. Chỉ số chứng khoán của nhiều nước trong ASEAN giảm 12 - 14%. Tình trạng này cũng không phải là ngoại lệ với nhiều TTCK ở châu Âu. Chẳng hạn, chỉ số chứng khoán của TTCK Anh trong năm 2015 giảm 7,4%.

Một khó khăn nữa mà TTCK Việt Nam phải đối mặt là sự dịch chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính toàn cầu. Sau nhiều lần rục rịch tăng lãi suất, cuối cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất vào cuối năm 2015, tác động đến tâm lý thị trường, cũng như dòng vốn đầu tư toàn cầu. Trong vòng 2 năm gần đây, hơn 1.000 tỷ USD đã rút ra khỏi các thị trường mới nổi.

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng: Giữ thị trường chứng khoán ổn định trong năm 2016 ảnh 1

Ông Vũ Bằng 

Khó khăn lớn nhất mà nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam phải đương đầu là tình hình kinh tế, TTCK Trung Quốc có những diễn biến tiêu cực bất ngờ trong năm 2015.

Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đã kéo theo nhiều nước trong khu vực cũng có động thái tương tự, với mức phá giá từ 12% đến trên 30%.

Đây là mức phá giá lớn, gây sức ép đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư và thị trường vốn của Việt Nam, cũng như thế giới.

Điều gì đã giúp TTCK Việt Nam “vượt bão” khá thành công, thưa ông?

Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, rất may là chúng ta có nhiều giải pháp đột phá trong năm qua. Đột phá lớn nhất là Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Đây là bước mở “room”, thể hiện chủ trương của Chính phủ mở cửa hơn nữa trong thu hút dòng vốn nước ngoài. Để đạt mục tiêu này còn phải vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc quyết định nới room lên 100% đã tác động tích cực đến tâm lý thị trường, cũng như NĐT nước ngoài. Nhờ đó, hạn chế các tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với TTCK Việt Nam.

Hoạt động tái cấu trúc TTCK trải qua 3 năm đã đạt các kết quả tích cực trên cả 4 trụ cột. Điều này cũng hỗ trợ thị trường phát triển.

Tuy công tác cổ phần hóa, tỷ lệ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các DNNN khi cổ phần hóa còn không ít hạn chế trong năm qua, nhưng cái được lớn nhất là Chính phủ quan tâm tháo gỡ nhiều chính sách. Tiếp sau Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 41/2015/QĐ-TTg về bán cổ phần theo lô. Để cụ thể hóa quy định này, UBCK đã khẩn trương ban hành Quyết định 999/2015/QĐ-UBCK về Quy chế mẫu bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở GDCK.

Liên tiếp những tháo gỡ về pháp lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp TTCK vượt qua nhiều khó khăn, tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Tuy TTCK nhiều nước trong khu vực sụt giảm, nhưng VN-Index trong năm qua tăng trên 5%. Đây là tín hiệu tích cực.

TTCK còn đạt được những kết quả tích cực nào khác, thưa ông?

Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút và giữ chân vốn ngoại, nhưng so với tình trạng vốn ngoại rút mạnh ra khỏi nhiều thị trường trong khu vực, thì luồng vốn ngoại vào - ra trên TTCK Việt Nam trong năm 2015 khá cân bằng.

Trong năm qua, hoạt động huy động vốn qua TTCK vẫn tốt, khi tổng lượng vốn huy động qua kênh phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần tăng 46,6% so với năm 2014. Huy động vốn qua kênh cổ phiếu và trái phiếu, trong năm 2015 đạt khoảng 260.000 tỷ đồng, tương đương năm 2014, mặc dù chịu nhiều sức ép từ việc khối ngoại rút vốn. Huy động vốn qua TTCK đạt kế hoạch trong bối cảnh khó khăn đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Một điểm sáng nữa là quy mô niêm yết trong năm qua gia tăng tích cực. Nếu tính cả thị trường UPCoM, đến cuối năm 2015, mức vốn hóa toàn thị trường tương đương 34% GDP, tăng khoảng 13,4% so với năm 2014; tổng trị giá niêm yết theo mệnh giá tăng khoảng 24%.

Theo ông, TTCK trong năm 2016 thuận lợi hơn hay khó khăn hơn năm 2015?

TTCK trong năm 2016, chúng tôi dự báo sẽ khó khăn hơn 2015. Do đó, phải thận trọng hơn trong quản trị rủi ro các hoạt động của thị trường. Mục tiêu mà UBCK đặt ra trong năm 2016 không phải là tăng trưởng, mà là tiếp tục giữ ổn định thị trường trước nhiều yếu tố tác động bất lợi.

Việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm, trong khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với nước ta lớn, nên các tác động sẽ thấm dần vào Việt Nam và nhiều nước khác. Tác động đối với Việt Nam tuy chậm, nhưng kéo dài hơn so với nhiều nước, nên cần đề phòng yếu tố này.

Ngoài tiếp tục theo dõi sát sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại để có giải pháp phù hợp, trong năm 2016, cần chú ý tới khả năng giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp, sẽ tác động đến ngân sách. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ nét.

Về lãi suất, nếu các yếu tố bên ngoài ít biến động bất thường, cùng với lạm phát trong nước ở mức thấp sẽ không gây áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, có thể có sức ép tăng lãi suất để ổn định tỷ giá. Là một trong những yếu tố có tác động quyết định đến sự phát triển của TTCK, nếu lãi suất ít biến động sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.

Cách nào để TTCK trong năm 2016 vượt qua những thách thức trên, qua đó phát triển ổn định, bền vững hơn, thưa ông?

Có hai việc lớn cần chú trọng trong triển khai nhiệm vụ điều hành thị trường năm 2016. Đầu tiên là tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc thị trường để vững mạnh hơn, qua đó, tranh thủ được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ hai, liên quan đến tiến trình thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cần mạnh mẽ bán trọn lô, bán chiến lược cho NĐT nước ngoài, qua đó, hút thêm dòng vốn mới, hỗ trợ cho TTCK. Do đó, thu hút vốn ngoại cần tiếp tục được thúc đẩy, trong đó trọng tâm là tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, cùng với tiếp tục coi trọng nâng hạng thị trường, UBCK sẽ nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch. Thúc đẩy tái cấu trúc thị trường gắn với chuẩn bị triển khai các sản phẩm mới. Liên quan đến triển khai TTCK phái sinh, dự kiến Thông tư hướng dẫn về TTCK phái sinh sẽ được Bộ Tài chính ban hành trong tháng 1/2016.

Những con số nổi bật trên TTCK năm 2015

Cuối năm 2015, vốn hóa thị trường đạt hơn 1.325.000 tỷ đồng, tương đương 34% GDP; quy mô giao dịch bình quân đạt 4.964 tỷ đồng/phiên. 

Đến tháng 12/2015, trên 2 sàn có 682 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014; có 571 mã trái phiếu với tổng giá trị niêm yết là 709.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2014. 

Trong năm 2015, có 47 công ty niêm yết mới, 33 công ty hủy niêm yết. Riêng sàn UPCoM có gần 100 công ty đăng ký giao dịch mới trong (gấp 2 lần so với năm 2014), nâng tổng số lượng cổ phiếu giao dịch lên 243 mã, với tổng giá trị 47.574 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2014. 

Đến cuối năm 2015, số lượng tài khoản NĐT là 1,5 triệu tài khoản (tăng 105.000 tài khoản so với cuối năm 2014), trong đó tài khoản NĐT nước ngoài là 17.644 (tăng 5,44%).

Hoạt động tái cấu trúc khối CTCK tiếp tục được thúc đẩy. Đến nay, số lượng CTCK đang hoạt động là 81 công ty, giảm khoảng 23%. 

Đến nay, đã tái cấu trúc 7 công ty quản lý quỹ, qua đó còn 43 công ty hoạt đang hoạt động. Hiện thị trường có 30 quỹ đầu tư chứng khoán. 

Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin bài liên quan