Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng: Lúc mới có thị trường chứng khoán dùng các từ “đầu cơ”, “môi giới”… rất nhạy cảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tuy Thị trường Chứng khoán  tròn 20 năm hoạt động, nhưng thực ra trước đó phải trải qua nhiều năm chuẩn bị. Trên chặng đường đó, có nhiều chuyện vui buồn…”.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt đầu buổi chia sẻ với báo giới diễn ra chiều nay, ngày 15/7, trước thềm Thị trường Chứng khoán tròn 20 năm phát triển vào ngày 20/7.

Theo ông Dũng, tuy giai đoạn đầu thực sự khó khăn và vất vả, nhưng khi định hướng, chuẩn bị tốt và vượt qua được khó khăn, thì giai đoạn sau phát triển thuận lợi. Đến bây giờ cảm thấy là bình thường, nhưng để có được Thị trường Chứng khoán  như hôm nay, đó là sự quyết tâm, lòng dũng cảm của các thế hệ lãnh đạo đi trước.

"Mỗi giai đoạn có cái khó khác nhau. Chẳng hạn như giai đoạn ban đầu, khi chúng tôi viết chính sách ngại dùng các từ ‘môi giới’, ‘đầu cơ’ vì nhạy cảm. Nay thị trường quen nên thấy bình thường…”, ông Dũng nói.

Hay như khi muốn triển khai ý tưởng xây dựng thị trường trái phiếu chính phủ theo phương thức đấu thầu tập trung và niêm yết, thì gặp không ít cái khó trong bối cảnh hầu hết trái phiếu được bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Có nghĩa là khi triển khai ý tưởng mở này, thì nhiều cán bộ làm việc ở bộ phận phân phối trái phiếu của hệ thống Kho bạc trên cả nước có nguy cơ… mất việc.

Thế nhưng, sau khi thuyết phục về những lợi ích cho đất nước, cho ngân sách, thì Chính phủ chỉ đạo làm. Nhờ đó đến nay mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, giúp chủ động hơn về ngân sách cho đầu tư phát triển, lãi suất huy động trái phiếu luôn giảm, từ mức bình quân 8% cho loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm cách đây vài năm, nay xuống dưới 2%...

Liên quan đến đường hường phát triển Thị trường Chứng khoán trong 10, 20 năm tới, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành trong năm 2021, trên cơ sở đó mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày, triển khai mô hình Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)……

Để cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho Thị trường Chứng khoán Việt Nam, Chính phủ yêu cầu ngành chứng khoán phải thành công trong các bước cải cách nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2023.

Cùng với sự cộng hưởng của hệ thống công nghệ mới được đưa vào vận hành trong năm tới, với bộ 3 luật gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tháo gỡ nhiều rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia Thị trường Chứng khoán Việt Nam, cộng với uy tín của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế, ngành chứng khoán đặt mục tiêu hoàn thành nâng hạng thị trường trước thời điểm Chính phủ yêu cầu.

Nhiệm vụ trọng tâm nữa là thúc đẩy quản trị công ty, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong lập và công khai báo cáo tài chính. Trong đó, trước mắt là áp dụng thí điểm chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời thúc đẩy thực thi chuẩn mực mới về quản trị công ty… Cùng với đó là đưa vào vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyên biệt, nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả và minh bạch hơn cho doanh nghiệp.

“Với Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đang xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tuy vẫn còn những điều chưa thực sự mang tính cải cách đột phá, nhưng so với quy định hiện hành có tốt hơn, phù hợp với thực tiễn, chúng tôi tin Thị trường Chứng khoán sẽ có diện mạo mới trong giai đoạn phát triển 10-20 măm tới…”, ông Dũng lạc quan.

Tin bài liên quan