Niềm vui hiện rõ trên gương mặt ông Đức (đứng thứ năm từ phải sang) khi Thủy điện Pá Hu bắt đầu phát điện.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt ông Đức (đứng thứ năm từ phải sang) khi Thủy điện Pá Hu bắt đầu phát điện.

Chủ tịch Trường Thành Group: Mải miết đi tìm nguồn điện mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở tuổi 63, ông Trần Huy Đức liên tục xuôi Nam ngược Bắc để tìm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh cho Trường Thành Group.

Vị doanh nhân chân chất

Liên hệ gặp ông Trần Huy Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Trường Thành Group), người viết nhận được cái hẹn vào lúc 7h30 sáng, “tranh thủ trước một cuộc họp của Công ty”.

Trường Thành Group vừa đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE và đang thu hút được sự chú ý với giới đầu tư vì sở hữu 6 dự án nhà máy điện năng lượng tái tạo, trải khắp từ thủy điện, điện mặt trời cho tới điện gió - lĩnh vực đang “hot” hiện nay.

Không giống với hình ảnh sang trọng thường thấy của một doanh nhân với bộ comple hàng thửa đắt tiền, vị chủ tịch tập đoàn có quy mô vốn điều lệ trên nghìn tỷ đồng lại rất giản dị, dễ gần trong chiếc áo sơ mi kẻ ngắn tay mở cúc cổ thoải mái.

Ông Đức bảo vừa ở Ninh Thuận về và đang gấp rút chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi ở miền đất nắng gió ấy. Chẳng khó để nhận thấy dấu vết của những ngày lăn lộn ở Ninh Thuận trên khuôn mặt đen sạm của ông.

Ông cười hiền giới thiệu mình sinh ra ở vùng quê nghèo Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tuổi thơ lam lũ, lớn lên vào bộ đội rồi mới đi học trung cấp thủy lợi và lập nghiệp ở miền núi Tây Bắc khiến ông “không quen ngồi một chỗ”.

Tại lễ phát điện chính thức của Nhà máy thủy điện Pá Hu (huyện Văn Chấn, Yên Bái) hòa vào lưới điện quốc gia vào đầu tháng 10, người ta cũng bắt gặp hình ảnh ông Đức giản dị trong chiếc áo kaki màu ghi thoăn thoắt đi lại đón tiếp quan khách.

Đưa khách mời đi thăm quan nhà máy, ánh mắt ông Đức không giấu được niềm tự hào về công trình mà ông và đội ngũ Trường Thành Group dốc tâm huyết xây lên.

Đi qua khủng hoảng bằng sự kiên tâm

“Hành trang khởi nghiệp làm thủy điện của tôi chủ yếu là kiến thức, kinh nghiệm đã giắt lưng của mấy mươi năm công tác. Còn vốn thì vay mượn bạn bè, người thân. Lúc ấy kể cũng có máu liều”, ông Đức chia sẻ về bước khởi sự kinh doanh.

Để đưa Trường Thành Group phát triển như ngày hôm nay, cá nhân ông và đội ngũ lãnh đạo đã có thời gian phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.

Những năm 2004 - 2007, ông Trần Huy Đức cùng anh em xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên – Nhá máy Suối Sập 2. Nhà máy có công suất 14,4 MW, có tổng mức đầu tư 321 tỷ đồng tại xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Dự án này chính là tiền đề để ông cùng các nhân sự chủ chốt thành lập Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Thành năm 2008 với ngành nghề chính là sản xuất, vận hành các công trình điện.

“Chúng tôi bước vào một giai đoạn mới, với dự án Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2. Dự án có tổng kinh phí đầu tư 1.501 tỷ đồng, vượt quá khả năng của chúng tôi. Một doanh nghiệp ở tỉnh lẻ, mối quan hệ ít, giao dịch vay tại các ngân hàng lớn rất khó khăn. Tôi đã có những ngày chán nản nhất trong cuộc đời làm kinh doanh”, ông Đức nhớ lại giai đoạn khủng hoảng 2010 - 2011.

Cũng may, nhờ sự hỗ trợ của anh em, bạn bè và sự kiên tâm, không đầu hàng hoàn cảnh, ông Đức cũng dần đưa Công ty băng qua thử thách.

“Thời kỳ đó, gia đình, người thân, bạn bè có bao nhiêu bìa sổ đỏ là cho tôi mượn hết để làm thủ tục thế chấp ngân hàng, có vốn đối ứng thực hiện dự án”, ông Đức kể.

Có tiền, ông cùng các cộng sự dồn lực mở đường, xây cầu tạo điều kiện cho nhà máy vận hành.

Ông mở mới 20 km đường nối từ quốc lộ 32 tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn vào nhà máy, xây dựng cầu vượt suối Ngòi Hút, đồng thời xây dựng 15 km đường dây truyền tải điện 110 kV từ quốc lộ 32 nối vào nơi thi công công trình.

Năm 2012, Nhà máy Suối Sập được khánh thành, dòng điện phát đi, dòng tiền thu về giúp Công ty có vốn đối ứng ngân hàng, từ đó dần vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi những dự án mới.

Đến đầu năm 2015, Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2 với sản lượng điện 202 triệu KWh điện mỗi năm đi vào vận hành. Năm 2016, Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A đi vào hoạt động với công suất 8,4 MW, cung cấp sản lượng điện 30 triệu kWh/năm.

Xây từng viên gạch chắc chắn trong lĩnh vực thủy điện, Trường Thành Group dần khẳng định được hiệu quả của đầu tư. Hiện Công ty đang sở hữu 3 nhà máy thủy điện đã phát điện là Ngòi Hút 2 (48 MW), Ngòi Hút 2A (8,4 MW), Pá Hu (26 MW).

Nhiều năm ở miền đồi núi, chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ mà dòng điện mang lại cho cuộc sống của người dân, ông Đức luôn trăn trở với những kế hoạch xây nhà máy mới để bổ sung vào nguồn cung điện năng cho đất nước.

Thủy điện là lĩnh vực điện năng có vốn đầu tư khá rẻ, nhưng dư địa để phát triển thêm hầu như không còn, nên từ 5 năm trước, khi điện gió, điện mặt trời vẫn còn là những khái niệm khá xa xôi với Việt Nam, ông Đức đã mày mò tìm hiểu rồi quyết tâm triển khai.

“Năm 2016, nhận thấy ngành năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển và có tiềm năng kinh tế, tôi đi xin chủ trương đầu tư. Tôi chủ động tìm hiểu thông tin, được các nhà cung cấp thiết bị hướng dẫn, cũng dần tự tin dấn thân vào lĩnh vực mới với nhiều kỳ vọng”, ông Đức chia sẻ.

Dự án điện mặt trời đầu tiên mà Trường Thành Group triển khai là trang trại điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ (tại tỉnh Ninh Thuận) có công suất 61,77 MW. Công ty đầu tư, xây dựng từ năm 2018 và đến quý IV/2019 chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Dự án đã mở ra một hướng đi mới, hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh của Công ty.

Tiếp tục chiến lược phát triển năng lượng sạch, Trường Thành Group đang chuẩn bị đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một, công suất 50 MW và nhà máy điện gió Phương Mai 1 (tại tỉnh Bình Thuận) công suất 30 MW trong giai đoạn 2020 - 2021. Ông Đức bảo, trong tương lai gần, các dự án điện mặt trời, điện gió sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát điện của Tập đoàn.

“Còn sức còn đóng góp cho xã hội”

Ở tuổi 63, ông Đức liên tục xuôi Nam ngược Bắc để tìm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh cho Trường Thành Group. Ông bảo: “Giờ tôi xác định làm việc không phải chỉ cho mình, cho gia đình, mà còn cho xã hội phát triển”.

Giờ tôi xác định làm việc không phải chỉ cho mình, cho gia đình, mà còn cho xã hội phát triển.


Ông Trần Huy Đức, Chủ tịch Trường Thành Group

Ông tiết lộ, sắp tới, có thể Trường Thành sẽ tham gia vào lĩnh vực điện khí. “Chúng tôi đang nghiên cứu làm điện gió ở biển, đồng thời xin chủ trương làm điện khí. Tôi quan niệm người ta làm được, mình cũng sẽ cố gắng làm được và sẽ quyết tâm cao để hiện thực hóa”.

Khi được hỏi về việc Công ty có kế hoạch thu hút dòng vốn ngoại hay nhà đầu tư chiến lược để phục vụ cho các dự án đầu tư mới không, ông Đức kể, hiện đã có một số quỹ đầu tư nước ngoài đặt vấn đề tham gia đầu tư cùng nhưng ông thấy thời điểm này cũng chưa cần thiết.

“Sau này, khi Trường Thành lớn hơn, cần nhiều nguồn lực hơn, tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng”, vị chủ tịch để ngỏ phương án gọi vốn.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực năng lượng, ông Đức đang nuôi tham vọng bước chân vào lĩnh vực bất động sản.

Ông bảo: “Mục tiêu Trường Thành hướng đến là trở thành một công ty kinh doanh đa ngành. Tới đây, chúng có thể tham gia làm bất động sản, tập trung vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện tại, chúng tôi đang làm các thủ tục cần thiết để gia nhập thị trường này”.

Lý do đầu tư vào bất động sản và chọn Ninh Thuận làm điểm đến, ông cho hay, vùng đất này có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, bờ biển đẹp, nhưng mọi thứ còn rất nguyên sơ.

Chia sẻ quan điểm về thành công và thất bại trong kinh doanh, Chủ tịch Trường Thành Group cho rằng: “Thành công hay thất bại đều là ở cách làm của mình. Làm chắc chắn thì được, còn làm vu vơ sẽ đổ bể. Không tạo ra cho mình điểm tựa chắc chắn để đi lên dễ sụp đổ”.

Với điểm tựa được tạo ra từ chính những dự án đầu tư lấy hiệu quả làm trọng tâm, Trường Thành Group và Chủ tịch Trần Huy Đức đang chinh phục những nấc thang mới trên con đường kinh doanh của mình.

Tin bài liên quan