Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về việc Việt Nam có 271 ca nhiễm COVID-19 (trong đó, có 48 người nước ngoài), chưa có ca tử vong và trên địa bàn Thành phố hiện vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện tốt phòng chống dịch COVID-19, thông qua thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội cũng như chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khoẻ và an toàn của người dân.
Trong quý I/2020, việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đã tác động lớn đến kinh tế trên địa bàn.
Đại dịch COVID-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,64%). Đây là mức tăng thấp nhất từ năm 1986 đến nay. Với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của vùng và cả nước, Thành phố luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn cả nước trung bình 1,1 - 1,2 lần trong thời gian dài
- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Thành phố sẽ tác động đến tăng trưởng chung của cả nước.
Các giải pháp khôi phục kinh tế Thành phố là mệnh lệnh cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay nhằm vực dậy sự phát triển kinh tế trên địa bàn.
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực tự thân để vượt qua các tác động của dịch bệnh từ khâu đầu vào như nguyên vật liệu, lao động, vốn đến đầu ra như thị trường, khách hàng, đối tác,…thì sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là rất quan trọng.
Nếu chậm trễ sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn, dẫn đến phá sản kéo theo nhiều hệ luỵ như tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia ăng tội phạm,…
Đây cũng là lý do UBND Thành phố tổ chức Toạ đàm Khôi phục và phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 nhằm ghi nhận các góp ý của chuyên gia kinh tế, lắng nghe các vấn đề khó khăn thực tế của doanh nghiệp, làm cơ sở tiếp tục đánh giá theo chiều sâu tác động của đại dịch COVID-19 đến một số ngành kinh tế chủ lực của Thành phố trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Đồng thời, qua buổi toạ đàm, lãnh đạo Thành phố muốn được lắng nghe các kế sách từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu giúp đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp cho ngành, doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển sau dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mỗi chiến sĩ trên mặt trận kinh tế phải cùng chung tay để biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, Thành phố đang đối diện với 4 vấn đề đang nổi lên cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học như: Kinh tế số trong cuộc cách mạng 4.0; thị trường xuất nhập khẩu phải làm gì khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng.
Thứ ba, làm sao để vực dậy sức mua trong thị trường nội địa khi người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng sau đại dịch, do tâm lý lo sợ kéo dài hoặc, nên mở cửa phát triển du lịch quốc tế khi nào thì phù hợp và thứ tư, giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để phát triển kinh tế, ổn định công ăn việc làm trong khi đảm bảo mục tiêu kép.
“Thành phố đang đứng trước những khó khăn lớn do tác động của dịch gây ra. Điều nằm ngoài khả năng dự báo của chúng ta. Ngay thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố phải đoàn kết 1 lòng, siết chặt tay nhau, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau hoàn thành mục tiêu kép đã đề ra”, Chủ tịch UBND Tp.HCM nói.
11 vấn đề UBND Tp.HCM đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ ý kiến:
Một, những giải pháp nào cần tập trung phát triển, các ngành đóng góp cao vào sự tăng trưởng cao của Thành phố bao gồm công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản phẩm điện tử, máy vi tính, bán buôn, bán lẻ, vận tải/kho bãi, ngân hàng,...
Hai, đối với ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch cần tập trung vào các phân khúc nào đóng góp cao vào sự tăng trưởng bên cạnh các giải pháp đồng bộ để phục hồi cách ngành này trong dài hạn.
Ba, đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các ngành sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.
Bốn, đẩy nhanh phát triển kinh tế số trong ngắn và dài hạn cũng như trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế.
Năm, dự báo hoạt động dịch vụ sẽ hồi phục nhanh sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn, Thành phố sẽ tập trung những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Sáu, giải pháp vực dậy ngành du lịch Thành phố trong điều kiện dịch đang bùng phát mạnh tại các nền kinh tế lớn của thế giới, định hướng phát triển du lịch nội địa thời gian tới.
Bảy, với hoạt động ăn uống và lưu trú, nhà hàng, dịch vụ lưu trú ngắn ngày là ngành đóng góp lớn vào sự tăng trưởng (chiếm trên 84% doanh thu và hơn 97% nộp thuế lệ phí). Giải pháp gì để phát triển phân khúc này gắn với du lịch nội địa.
Tám, đối với ngành vận tải và kho bãi, dịch vụ hỗ trợ liên quan chiếm trên 95% doanh thu và hơn 68% nộp thuế, lệ phí thì thời gian tới cần tập trung hỗ trợ phát triển phân khúc này như thế nào.
Chín, giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, đưa các gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng nhanh, kịp thời.
Mười, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, thích ứng với tình hình dịch COVID-19.
Và cuối cùng, cần nghiên cứu, khai thác thị trường nước ngoài có điều kiện thuận lợi trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt thị trường lớn cho đẩy mạnh xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất.