Kỳ vọng sản phẩm AI thương hiệu Việt
Sáng nay, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức Hội thảo Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI giai đoạn 2019-2025 nhằm làm rõ khái niệm, vai trò, và vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc phát triển kinh tế, xã hội Thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã lan toả và tác động đến toàn bộ lực lượng sản xuất.
12 lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 đã mang lại giá trị kinh tế thế giới 33.000 tỷ USD từ nay đến 2025.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để Thành phố nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Phong nói và cho biết, từ 2017, Thành phố đã tích hợp 1 số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng trên địa bàn và là nền tảng để Thành phố triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên địa bàn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nhìn trên tổng thể việc ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống của Thành phố còn chậm, khi đang ở vị trí phía sau về đào tạo so với các đô thị trên thế giới.
Cùng với đó là thiếu chuyên gia nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về AI.
GS. Hồ Tú Bảo
“Môi trường kinh doanh chưa thật sự tốt, sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thật sự bình đẳng, đặc biệt sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tưtài chính còn lỏng lẻo”, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá và cho rằng, đây là 1 trong những điểm nghẽn kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng AI trên địa bàn Thành phố.
Thành phố kỳ vọng từ những sáng kiến, cũng như những kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực AI chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp “Thành phố có thể sản xuất sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt làm chủ”.
Cùng với đó Thành phố sẽ chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ quan Trung ương ban hành các cơ chế, quy định vượt trội so với hiện nay để việc nghiên cứu và ứng dụng AI trở nên thuận lợi nhất cả về pháp lý lẫn ứng dụng.
Đào tạo nhân lực và đồng bộ dữ liệu
Chia sẻ tại Hội thảo, GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện John von Neumann (ĐHQG TP.HCM) đưa ra các yếu tố cơ bản để phát triển và ứng dụng AI là Dữ liệu, Nhân lực, Chính sách và Lĩnh vực chọn lọc.
Cùng với đó, phát triển và ứng dụng AI hiệu quả cần được thực hiện từ mọi cấp của Thành phố.
“Sau hai năm chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, về thành phố thông minh…đã đến lúc cần làm nhiều việc và kết quả cụ thể”, GS Hồ Tú Bảo nói.
Nguồn dữ liệu lớn vừa là thách thức để phát triển AI vừa là yêu cầu của AI, cụ thể là yêu cầu của kỹ thuật deep learning. Đây cũng là lý do tại sao các khái niệm như IoT (kết nối vạn vật), big-data (dữ liệu lớn) và AI đã được đề cập cùng nhau.
Còn theo PGS Thoại Nam, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, sau hơn 60 năm phát triển, cho đến nay, vẫn chưa có một sản phẩm đủ tốt nào vượt qua phép thử Turning để đạt đến cấp độ con người.
Phép thử Turning được đề xuất bởi Alan Turning vào năm 1950 để đánh giá xem một thực thể nhân tạo đã có khả năng của con người hay chưa. Về ý tưởng, thực thể được gọi là thông minh nếu người đánh giá không thể phân biệt đâu là người và đâu là thực thể nhân tạo trên các khả năng mà AI quan tâm.
Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của AI trong những năm gần đây khiến cộng đồng cảm nhận rằng, các thực thể thông minh nhân tạo có thể vượt qua được phép thử Turning trong tất cả các khả năng nói trên không còn xa.
Điều này vừa tạo ra nhiều cơ hội cũng như các mối nguy cơ và thách thức. Chưa kể đến nguy cơ bị dẫn đắt bởi máy móc thông minh hơn, hiện nay và tương lai gần, nhiều công việc đã được tự động hoá bởi AI.
Bên cạnh đó, an ninh cũng sẽ phức tạp hơn khi có sự kết hợp giữa AI và ý định xấu của con người.