Mô hình trồng thử nghiệm Sâm Bố Chính được triển khai từ tháng 2/2019 trên diện tích 3 ha tại xã Gio An với số vốn 1,6 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng trồng, đến nay sâm Bố Chính của nhóm hộ dân đã phát triển tươi tốt, ra củ dài từ 10-20cm, đường kính khoảng 2cm.
Dự kiến, sau 3 năm triển khai (2019-2021) dự án sẽ bán ra thị trường 125 tấn củ sâm tươi và một số sản phẩm từ sâm với số tiền 7,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 3,8 tỷ đồng.
Sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm tiêu thụ như hợp đồng đã ký kết; đồng thời liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong vùng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Khi dự án thành công, nhóm hộ dân sẽ chuyển giao kỹ thuật để nông dân địa phương nhân rộng sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Mục tiêu đảm bảo cho người nông dân sau khi trừ chi phí sản xuất lãi trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Qua kiểm tra mô hình thử nghiệm trồng Sâm Bố Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: Tuy mới trồng 3 tháng, hiện nay cây đã ra hoa và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Đây là một trong những loại cây dược liệu quý, đề nghị nhóm hộ tiếp tục chăm sóc, huyện Gio Linh cùng với các ngành chức năng theo dõi để có tổng kết, đánh giá sự thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, quá trình sinh trưởng, phát triển, nếu có hiệu quả kinh tế cao thì cần nhân rộng mô hình này.
Hệ thống giếng cổ ở Gio An là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu, giữ gìn cho đến ngày nay.
Đối với hệ thống giếng cổ ở Gio An, đây là những công trình dẫn thủy, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu, giữ gìn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, do tác động của thời gian, thiên nhiên và con người mà nhiều giếng cổ ở đây đã dần xuống cấp hư hại. Để bảo tồn, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững, thời gian qua, các cơ quan chức năng và huyện Gio Linh đã từng bước khôi phục nhiều giếng cổ tại địa phương.
Từ đó, ông Nguyễn Đức Chính đề nghị: Trước mắt, chọn lựa một số giếng cổ mang tính độc đáo tiến hành quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bổ trợ và tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương. Giao Sở VHTT&DL lập hồ sơ để thực hiện các bước đề nghị Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là hệ thống giếng cổ của người Chăm có trên địa bàn Quảng Trị là di sản văn hóa thế giới.